Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định, việc tăng cường hòa giải, đối thoại là chủ trương đúng đắn, giúp ngành Tòa án thành phố giảm tải áp lực xét xử, đồng thời giữ ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội của thành phố.
Sáng 27-5, TAND tối cao tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động thí điểm Đề án, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng. Dự hội nghị có các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao; Nguyễn Thúy Hiền, Phó chánh án TAND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án thí điểm tại Hải Phòng.
Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao và các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Phước
Về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Cùng dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và tòa án các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, lãnh đạo các ngành tư pháp thành phố Hải Phòng.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, tháng 3-2018, TAND tối cao triển khai Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng. 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại được thành lập tại TAND thành phố và 9 TAND quận, huyện tại Hải Phòng. 58 hòa giải viên, đối thoại viên được lựa chọn là những người có kiến thức pháp luật, phẩm chất đạo đức, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt. Sau hơn 2 tháng triển khai, các trung tâm hòa giải, đối thoại thành công 600/893 vụ việc, đạt tỷ lệ 67,2% tổng số vụ việc.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao trao hoa biểu dương các hòa giải viên tiêu biểu của thành phố. Ảnh: Minh Trí
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu khẳng định, việc tăng cường hòa giải, đối thoại là chủ trương đúng đắn, giúp ngành Tòa án thành phố giảm tải áp lực xét xử, đồng thời giữ ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội của thành phố. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Tòa án thực hiện tốt mô hình này, làm cơ sở đánh giá, nhân rộng thực hiện đề án trên cả nước.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu: Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng coi hoàn thiện các thiết chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, trọng tài là một trong những định hướng để đạt được các mục tiêu trong nhiều lĩnh vực và được đề cập tại nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị. Việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hệ thống Tòa án, giúp giảm tải khối lượng công việc xét xử, giảm bớt các chi phí tố tụng, giảm chi phí, thời gian của các bên, hàn gắn mâu thuẫn… Kết quả sau hơn 2 tháng thực hiện thí điểm Đề án tại Hải Phòng là rất khả quan.
Kết thúc hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ban chỉ đạo đề án thí điểm tiếp tục kiện toàn mô hình các Trung tâm hòa giải, đối thoại; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên, đối thoại viên; làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh sự lựa chọn của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác đối với phương thức hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; xây dựng đề án trình Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương.
Tiếp tục triển khai thành công thí điểm tại Hải Phòng để làm cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án
(Trích phát biểu của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại hội nghị)
Tôi rất vui mừng chứng kiến sự phát triển và những đổi mới của hệ thống TAND trong thời gian qua gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tôi cũng thấy rằng TAND tối cao và TAND các cấp đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Việc Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương coi hoàn thiện các thiết chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, trọng tài là một trong những định hướng để đạt được các mục tiêu trong nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều nghị quyết khác nhau cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, truyền thống của người dân Việt Nam là mong muốn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải với các phương thức khác nhau, như: hòa giải ở cơ sở thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, hay hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại… Truyền thống này được ghi nhận và pháp luật có khung pháp lý hỗ trợ hoạt động hòa giải phát triển với quy định tại chương 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Theo quy định này, các thỏa thuận do các bên đạt được ngoài tòa án có thể được Tòa án công nhận và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Sau khi nghe báo cáo của TAND tối cao, xem các hình ảnh về thực tế thực hiện thí điểm tại một số TAND của thành phố Hải Phòng, tôi rất ấn tượng về những kết quả mà các đồng chí đã đạt được khi thực hiện thí điểm mô hình hòa giải bên cạnh tòa án với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Tôi cho rằng công tác chuẩn bị và thực hiện hoạt động thí điểm được tiến hành cẩn trọng, có nghiên cứu kỹ và tham khảo pháp luật, kinh nghiệm của nước ngoài, so sánh với pháp luật Việt Nam để tìm ra những điểm phù hợp có thể áp dụng trong thực tiễn hòa giải tại Việt Nam.
Liên quan đến công tác hòa giải, trong thời gian qua, hệ thống TAND đã nỗ lực trong việc nâng cao tỷ lệ hòa giải thành theo yêu cầu của Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, tỷ lệ hòa giải thành trong toàn hệ thống TAND đạt được 51% số vụ án được thụ lý. Đây là sự cố gắng lớn của hệ thống TAND và tôi đánh giá cao sự cố gắng này. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng ở nhiều nước trên thế giới tỷ lệ hòa giải thành trung bình có thể lên đến 70-80% thông qua việc áp dụng cơ chế hòa giải bên cạnh tòa án hoặc các cơ chế tương tự. Nếu so sánh tương đối thì chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng các cơ chế như vậy để tiếp tục tăng cao tỷ lệ hòa giải thành ở Việt Nam. Theo báo cáo sơ kết của TAND tối cao khi áp dụng thí điểm mô hình hòa giải bên cạnh tòa án thì tỷ lệ hòa giải thành đạt được trong 3 tháng thí điểm là 67,2%, cao hơn so với tỷ lệ hòa giải thành trung bình trên toàn quốc và tiến gần tới mức mà các nước tiên tiến đạt được. Điều này khẳng định rằng việc áp dụng mô hình hòa giải bên cạnh tòa án là một bước đi, một cách tiếp cận phù hợp.
Với những kết quả đạt được nêu trên, tôi đánh giá cao các nhiệm vụ và giải pháp mà TAND đã nêu trong báo cáo và hoàn toàn đồng tình, ủng hộ; nhất trí với các kiến nghị của TAND tối cao. Ngoài ra, yêu cầu các đồng chí tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
-Tiếp tục triển khai thành công đề án thí điểm tại Hải Phòng để làm cơ sở thực tiễn xây dựng đề án về đổi mới và tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính;
-Nghiên cứu khả năng triển khai thí điểm thêm ở một số địa phương nhằm có đánh giá khách quan, toàn diện về mô hình này và phù hợp với văn hóa pháp lý, văn hóa xã hội từng vùng miền;
-Nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019;
-Tập trung nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thực tế của nước ngoài về mô hình hòa giải bên cạnh tòa án và việc vận hành chế định này để đảm bảo tăng cường giải quyết các tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại nhằm phát huy những tác động tích cực hơn nữa của hòa giải, đối thoại để giảm tải cho hệ thống Tòa án nhân dân trong bối cảnh còn thiếu cán bộ, Thẩm phán;
-Khẩn trương xây dựng Đề án về đổi mới và tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính đã được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao tại Thông báo số 03-TB/BCĐCCTPTW ngày 28-12-2017 để Ban Chỉ đạo cho ý kiến vào kỳ họp tháng 9-2018.
Tôi mong rằng TAND tối cao sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có việc xây dựng mô hình hòa giải bên cạnh tòa án.
……………………
Đầu đề của Báo Hải Phòng
Báo Hải Phòng 28/5/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More