Sáng 15-7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tới dự, về phía Trung ương có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương…
Tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố; Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; lãnh đạo các ngành, địa phương…
Chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: 5 năm qua, Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; thể hiện rõ chính sách nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các cơ chế chính sách; văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; ưu tiên tập trung các nguồn lực và sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mang lại hiệu quả thiết thực, quan trọng, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trên cả nước. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội còn góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đặc biệt ở vùng nông thôn; là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đến với những người dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đến nay, tổng số tiền đã giải ngân trong cả nước đạt 336.944 tỷ đồng hỗ trợ hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, góp phần giúp 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm hơn 1,3 triệu lao động; gần 346.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách...
Tại Hải Phòng, Chỉ thị 40 được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, địa phương quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn thành phố. Đặc biệt tập trung ưu tiên hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Phòng giải ngân vốn tín dụng ưu đãi hơn 196.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền gần 4.600 tỷ đồng. Từ đó, giúp hơn 29.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 82.700 hộ xây dựng được hơn 165.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường; hơn 5100 học sinh được vay vốn; tạo việc làm cho 15.700 lao động… Đồng vốn tín dụng chính sách góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 3,86% cuối năm 2014 xuống còn 1,41% năm 2019… Tại nhiều địa phương xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế điển hình, thúc đẩy hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Bàn biện pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ kết quả thực hiện Chỉ thị 40 cũng như những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; bài học kinh nghiệm; nêu bật cách làm sáng tạo của các địa phương; các mô hình hay, hiệu quả. Đồng thời góp thêm ý kiến về việc tập trung huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội; sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Qua đó kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen./.
Tin: Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính