Sáng 14/10, Sở Công Thương thành phố tổ chức Hội thảo “Tập huấn Thông tư quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”. Gần 160 đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành thành phố; Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham dự.
Thông tư Quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được Bộ Công Thương ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 4/4/2022. Đây là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định, thông qua đó đẩy mạnh việc tận dụng ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu tới thị trường các quốc gia thành viên.
Nhấn mạnh phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Nguyễn Công Hân cho biết, quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng của Việt Nam thời gian qua đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Một trong những minh chứng đó là, sự tham gia của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đến nay, 15 Hiệp định đã có hiệu lực và 02 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn sự gắn kết giữa ASEAN và 5 đối tác, gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đến thời điểm hiện tại RCEP đã chính thức có hiệu lực đối với 12/15 quốc gia thành viên. Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các quốc gia tham gia ký kết, RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Với mục đích phổ biến về Hiệp định RCEP, đặc biệt về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP, tại Hội thảo các đại biểu tham dự đã nghe đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương giới thiệu về Quy tắc xuất xứ trong RCEP; hướng dẫn việc xác định nước xuất xứ trong trường hợp một nước đối xử khác biệt thuế; hướng dẫn khai báo xuất xứ trên C/O RCEP; đồng thời giới thiệu một số mặt hàng của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu trong RCEP.
Tại Hải Phòng, 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 12,06% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản cũng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 12,76%; sản lượng hàng qua Cảng ước đạt 113,02 triệu tấn, tăng 9,35%; thu hút đầu tư nước ngoài FDI ước đạt gần 1.252,97 triệu USD… Để có được những kết quả đó, các cơ quan quản lý nhà nước luôn song hành cùng doanh nghiệp và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã linh hoạt, nỗ lực trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tận dụng tốt những ưu đãi do các Hiệp định thương mại đem lại.
Minh Hảo