Khẳng định thông điệp: “Luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp”, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Minh Sơn cho biết, các yêu cầu, đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng, trên tinh thần xây dựng, lắng nghe, chia sẻ, phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện sự đồng hành giữa cơ quan nhà nước cùng với các doanh nghiệp vì mục tiêu chung phát triển thành phố.
Tại cuộc Đối thoại, các doanh nghiệp kiến nghị đến lãnh đạo ngành Công Thương các vấn đề như: xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, xúc tiến thương mại, chính sách thuế… Cụ thể, đại diện Công ty TNHH LS Metal Vina (Khu Kinh tế Đình Vũ-Cát Hải) cho biết, ngày 25/9/2020, Cục Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã thông báo mở cuộc điều tra mã số CVD-08/2020 về thuế chống trợ cấp đối với các mặt hàng ống đồng xuất xứ từ các nước Malaysia, Thailand và Việt Nam vào thị trường Ấn Độ. Thời gian điều tra từ 01/4/2019 đến 31/3/2020. Theo kết luận điều tra số 04/10/2020-DGTR của Cục phòng vệ thương mại Ấn Độ, Công ty TNHH LS Metal Vina phải chịu mức thuế suất 14.76% cho các sản phẩm ống đồng xuất khẩu vào thị trường Ẩn Độ. Tuy nhiên trong thời gian điều tra nói trên, Công ty LS Metal Vina chưa từng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, do đó mức thuế trên áp dụng cho phía công ty là không hợp lý. Ngày 30/9/2022, Công ty LS Metal Vina có nộp hồ sơ xin điều tra rà soát nhà xuất khẩu mới (NSR) đế xin được áp mức thuế suất hợp lý. Cho đến thời điểm hiện nay, thời gian công bố kết quả điều tra NSR bị gia hạn nhiều lần, chưa có thời gian thông báo kết quả chính thức dẫn đến tốn thất lớn cho doanh nghiệp. Công ty LS Metal Vina đã kiến nghị, yêu cầu sự giúp đỡ của Bộ Công Thương liên hệ và làm việc với phía Chính phủ Ấn Độ trong việc thúc đẩy sớm kết thúc điều tra NSR và sửa lại một số điều trong bộ luật để phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO. Phía doanh nghiệp cũng mong muốn sự vụ này sớm kết thúc để có thể yên tâm sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở Công Thương thành phố cho biết, Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đã thông tin, việc pháp luật Ấn Độ không quy định về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc điều tra chống trợ cấp là một việc hi hữu lần đầu tiên gặp. Thông thường, khi tiến hành điều tra áp thuế chống trợ cấp đối với một doanh nghiệp của Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương, phía điều tra sẽ điều tra doanh nghiệp có nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ hay không. Tuy nhiên đến nay, Sở Công Thương chưa nhận được yêu cầu này từ phía Bộ Công Thương. Nhân cuộc đối thoại, lãnh đạo Sở Công Thương cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế cần phải chấp nhận sự ràng buộc của các nguyên tắc vô cùng khắc nghiệt từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ các Hiệp định thương mại (FTAs),… để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị Sở Công Thương cần thường xuyên tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về các FTA Việt Nam đã tham gia cũng như các FTA Việt Nam chuẩn bị tham gia; hướng dẫn về quy tắc xuất xứ của các FTA để doanh nghiệp có thể chủ động thích ứng, tận dụng ưu đãi từ các FTA này. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần cải tiến hình thức nộp phí vào một số tài khoản đích danh duy nhất giống như việc nộp thuế của tờ khai hải quan với những khoản, mục được quy định rõ ràng; đối với doanh nghiệp lớn có số lượng cấp c/o nhiều hàng ngày thì rất cần có cơ chế hỗ trợ nộp phí với tần suất ít hơn: 1 lần/tháng hoặc 1 lần/tuần…
Liên quan đến đề nghị của doanh nghiệp có quy mô nhỏ hiện đang khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, kiến nghị Sở Công Thương hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thời gian gần đây, các Tập đoàn, doanh nghiệp của các Quốc gia tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ đến hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng diễn ra khá thường xuyên, ở nhiều lĩnh vực. Điều này phần nào cho thấy sức hút của thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài để kết nối doanh nghiệp hai bên, hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố tìm kiếm đơn hàng, phát triển xuất khẩu…
Trên cơ sở những vấn đề được đại diện các doanh nghiệp đặt ra tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Sở Công Thương đã trả lời, giải đáp nhiều nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Sở Công Thương thành phố sẽ tham mưu với UBND thành phố, đề nghị các ngành, lĩnh vực liên quan trả lời; đồng thời sẽ ban hành văn bản trả lời, phúc đáp đầy đủ từng ý kiến để gửi đến các doanh nghiệp.
Trâm Bầu
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Sáng 23/11, tại Cung Văn hóa thể thao thanh niên thành phố, Thành đoàn -…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More