Theo trang thống kê worldometers.info, đến 8h00 sáng 3/9, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã vượt 26 triệu ca (26.167.060) , trong đó có 866.540 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, có tổng cộng 283.054 ca nhiễm mới và 6.242 ca tử vong mới được ghi nhận.
Tính theo khu vực, số ca nhiễm tại Bắc Mỹ chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân và 25% tổng số ca tử vong toàn thế giới, là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cụ thể là 7.453.926 ca nhiễm và 274.623 ca tử vong. Sau Bắc Mỹ, châu Á đã ghi nhận 7.297.325 ca nhiễm và 145.652 ca tử vong.
Nam Mỹ đứng thứ 3 với 6.467.306 ca nhiễm và 206.645 ca tử vong. Châu Âu ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên tương đương 50% số ca ở Nam Mỹ (3.646.393 ca), trong đó có 208.567 ca tử vong.
Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất với các số liệu tương ứng là 1.272.564 ca nhiễm và 30.346 ca tử vong tại châu Phi; 28.825 ca nhiễm và 692 ca tử vong tại châu Đại Dương.
Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới, với 6.290.211 bệnh nhân, gần bằng số ca ghi nhận tại khu vực Nam Mỹ, và 198.933 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Mỹ xác nhận 40.685 ca nhiễm mới và 1.059 ca tử vong mới. Sau Mỹ là Brazil với các số liệu lần lượt là hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 123.000 ca tử vong.
Tình hình tại các nước khác tại Nam Mỹ cũng rất đáng chú ý. Argentina gi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới, Colombia hơn 9.200 ca, Peru hơn 6.300 ca. Các nước khác như Chile và Ecuador đều ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất với 82.860 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 3.848.968, và 1.026 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 67.486 ca.
Các nước khác tại châu Á ghi nhận khoảng 3.000 ca nhiễm mới trong ngày gồm Iraq (3.946 ca), Indonesia (3.075 ca), Israel (2.926 ca).
Ngoài ra, các điểm nóng khác ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm trong ngày là Iran với 1.858 ca, Thổ Nhĩ Kỳ với 1.596 ca, Nepal với 1.120 ca.
Tại châu Âu, với hơn 1 triệu bệnh nhân, Nga là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong châu lục. Tuy nhiên, Anh đứng đầu châu lục này về số ca tử vong với 41.514 ca, sau đó là Italy với 35.497 ca.
Tình hình dịch bệnh tại một loạt các nước châu Âu đang “nóng” trở lại khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới gồm Tây Ban Nha với 8.581 ca, Pháp với 7.017 ca, Ukraine với 2.495 ca. Ngoài ra, các nước Anh, Italy, Đức, Romania đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Tại châu Phi, Nam Phi là nước bị ảnh hưởng nhất với 630.595 ca nhiễm, sau khi ghi nhận thêm 2.336 ca mới, và hiện số ca tử vong là 14.389 ca.
Hai điểm nóng nhất tại châu lục này sau Nam Phi là Maroc, nước vừa ghi nhận 1.672 ca mới trong 24 giờ qua, và Ethiopia với 1.105 ca mới./.
Bích Liên/TTXVN