Sân bay Cần Thơ giúp giảm tải Tân Sơn Nhất như thế nào?

Sân bay Cần Thơ mới khai thác khoảng 30% công suất, trong khi Tân Sơn Nhất đang quá tải “tắc cả trên trời, dưới đất, tắc cả bên trong và ngoài sân bay”.

Một góc sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: Hoàng Triều

Chuyển đường bay sang Cần Thơ

Trong bối cảnh hàng không liên tục tăng trưởng 2 con số, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất luôn được nhắc đến như một điểm nghẽn về hạ tầng mà nguyên nhân chính là do hoạt động quá tải. Dù công suất thiết kế 28 triệu lượt hành khách nhưng năm 2018, Tân Sơn Nhất đã phục vụ tới 38,3 triệu lượt hành khách. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nâng công suất hành khách lên 50 triệu hành khách/năm. Song, việc đầu tư nhà ga T3 ít nhất đến năm 2021 mới có thể đưa vào hoạt động, việc đầu tư nâng cấp đường băng, chỗ đỗ cũng đang chờ cơ chế…

Bàn về việc giảm tải cho Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đang tính toán lại một loạt vấn đề, từ đường bay trên trục Bắc – Nam, đưa sân bay Cần Thơ, Phan Thiết vào khai thác để góp phần giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Ông Thọ nêu ví dụ, tại Tân Sơn Nhất, có đường bay đi Côn Đảo với 11 chuyến, chiếm 11 vị trí đỗ, sẽ chuyển bớt về Cần Thơ. Khách từ phía Bắc đi vào sẽ bay thẳng đến Cần Thơ, không về Tân Sơn Nhất nữa, để giảm tải cho sân bay này.

Trao đổi với Báo Người Lao Động về biện pháp này, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết việc đưa đường bay phục vụ nhu cầu của hành khách ra Côn Đảo cũng như đến một số điểm khác mà không qua Tân Sơn Nhất là một trong các biện pháp thực hiện mô hình kết nối “điểm – điểm” mà không thông qua trục bay chính.

Theo ông Thanh, định hướng phát triển mạng đường bay là xây dựng mạng đường bay quốc tế, quốc nội chủ yếu theo mô hình “trục – nan” thông qua các cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, kết hợp mô hình kết nối “điểm – điểm” theo nhu cầu của thị trường.

Trong đó, với mạng đường bay nội địa, sẽ mở mới các đường bay liên vùng, đặc biệt là các đường bay liên vùng không trung chuyển qua 3 điểm chính là các cảng hàng không tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM; nghiên cứu tiếp tục mở các đường bay ra vùng biển đảo của Việt Nam.

Nhiều đường bay mới từ Cần Thơ

Trong khi đó, theo số liệu đưa ra tại cuộc họp do UBND TP Cần Thơ tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua, sau 8 năm đưa vào hoạt động, sân bay Cần Thơ mới khai thác khoảng 30% công suất, với một số đường bay nội địa kết nối Cần Thơ với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Côn Đảo. Vài năm qua có tổ chức các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) từ Cần Thơ đến Thái Lan vào mùa hè; hoặc đưa đón cô dâu Việt tại Đài Loan về quê ăn Tết.

Sân bay Cần Thơ – Ảnh: Internet

Thời gian gần đây, nhiều hãng hàng không rục rịch mở đường bay Cần Thơ. Vietjet cho biết sẽ mở 5 đường bay từ Cần Thơ đi các địa phương. Trong đó, đường bay Cần Thơ đi Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa sẽ được khai thác từ 26-4-2019 và đường bay Cần Thơ đi Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ mở trong tháng 5-2019,

Đồng thời, AirAsia, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, sẽ mở 2 tuyến: Cần Thơ – Kuala Lumpur (Malaysia) với tuần suất 4 chuyến mỗi tuần và Cần Thơ – Bangkok (Thái Lan), mỗi tuần 3 chuyến.

Với việc một số hãng sắp mở đường bay đến Cần Thơ, một người hoạt động lâu năm trong ngành hàng không đánh giá quan trọng nhất khi mở đường bay mới là đánh giá nhu cầu, lượng khách. Hiện nhu cầu du lịch quốc tế của người dân ở khu vực này còn thấp. Cần Thơ với vị trí thủ phủ miền Tây, cũng có tiềm năng để phát triển du lịch, tăng thu hút khách. Tuy nhiên, thành phố phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút và tăng thời gian lưu trú của khách, các hãng hàng không cũng tăng cường quảng bá, thu hút du khách đến miền Tây, kết hợp với các sản phẩm du lịch đặc sắc vùng miền.

Do nhu cầu chưa cao và biện pháp kích cầu dường như cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều người vẫn còn rất thận trọng với đường bay này. Hãng hàng không Jetstar Pacific dịp Tết vừa qua đã mở tăng cường thêm đường bay giữa Hà Nội – Cần Thơ, để phục vụ nhu cầu đi lại trong giai đoạn cao điểm, đồng thời cho biết trong thời gian tới, hãng cũng sẽ đánh giá thị trường để có thể thực hiện khai thác thường lệ Hà Nội – Cần Thơ vào thời điểm phù hợp.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện hãng Jetstar Pacific cho biết đến nay, qua đánh giá nhu cầu thị trường, Hãng chưa có ý định khai thác thường lệ đường bay này do e ngại về tính hiệu quả kinh tế.

Dương Ngọc

Nguồn. Người Lao động

Nguồn tin: Người Lao động

Tin khác

Thống nhất các nội dung trình Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI

Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…

28/12/2024

Sắp xếp 21 trụ sở sau sáp nhập tại Thủy Nguyên, Hải Phòng

Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…

27/12/2024

Bế mạc diễn tập thực chiến năm 2024

Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…

27/12/2024

Công ty Cổ phần chứng khoán Hải Phòng bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…

27/12/2024

Tuyên tử hình 27 bị cáo trong đường dây ma túy do Oanh “Hà” cầm đầu

Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…

27/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More