Bộ Công Thương vừa bàn giao nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) (gọi tắt là Ủy ban).
Thành lập Tổ công tác
Theo lộ trình Bộ Công Thương trình Quốc hội trước đây, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý tồn tại ở các dự án. Không ít ý kiến lo ngại việc chuyển nhiệm vụ thường trực về Ủy ban thì công tác “cứu” 12 dự án yếu kém có thật sự mang lại hiệu quả.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa thể triển khai
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cho biết các nhiệm vụ chưa hoàn thành và đang tập trung xử lý của 12 dự án yếu kém hiện gồm 3 nhóm vấn đề: xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; cơ cấu lại các khoản vay nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay và xây dựng phương án thoái vốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa – người từng chất vấn lãnh đạo Bộ Công Thương tại nghị trường về 12 dự án yếu kém – kỳ vọng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ có phương án vực dậy các dự án. Ủy ban thành lập từ tháng 9-2018 với nhiệm vụ tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty nên sẽ nắm rõ được nội tình của các DN, từ đó có các chiến lược xử lý 12 dự án.
“Khi tiếp nhận, Ủy ban sẽ làm việc với từng tập đoàn, tổng công ty có dự án thua lỗ, chậm tiến độ để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của DN. Đây là điều rất quan trọng bởi mỗi dự án thua lỗ sẽ có một điểm nghẽn khác nhau, phải “bắt bệnh” đúng thì mới giải quyết được” – ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), nhận định cơ cấu bộ máy của Ủy ban đang kiện toàn nên cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để “cứu” 12 dự án. Ông Trung cho rằng việc chuyển giao sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Ủy ban bởi khối lượng công việc rất lớn.
Về phía Ủy ban, ông Nguyễn Cảnh Toàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, cho biết đã thành lập Tổ công tác để xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả do các bộ, ngành chuyển giao; đồng thời cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước. Theo ông Toàn, Ủy ban đã bổ sung nhân sự từ các tập đoàn, tổng công ty tham gia Tổ công tác.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Để việc “giải cứu” chuyển biến rõ rệt, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: “Ủy ban sẽ gắn trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, tổng giám đốc của các tập đoàn, tổng công ty là đơn vị chủ quản của dự án yếu kém. Nếu dự án không tiến triển, người đứng đầu chắc chắn phải chịu trách nhiệm và sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ hằng năm”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với hiệu quả xử lý 12 dự án yếu kém sẽ mang lại hiệu quả trông thấy trong thời gian tới. Các dự án yếu kém thuộc về giai đoạn trước nhưng việc vực dậy các dự án này phải thể hiện vai trò rõ nét của những người đứng đầu các tổng công ty, tập đoàn. Ủy ban có thể đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng dự án, giao xuống các DN chủ quản thực hiện, sau đó kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp nếu không hoàn thành.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trong việc xử lý các tồn đọng của dự án. Vai trò chỉ đạo của Chính phủ vẫn là chủ chốt, Ủy ban làm đầu mối và các bộ, ngành cùng chung tay.
Trên cơ sở là đại diện phần vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, ông Doanh cho rằng Ủy ban sẽ có điều kiện để thực hiện các giải pháp mạnh tay hơn. “Các nhiệm vụ này đều với gắn với người đứng đầu tổng công ty, tập đoàn để thúc tiến độ thực hiện, đưa ra thời hạn giải quyết, từ đó có cơ sở đánh giá hiệu quả của việc xử lý tồn đọng dự án. Trong số 12 dự án yếu kém thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 5 dự án, 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Do vậy, vai trò của người đứng đầu là rất lớn” – TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Một số nhà máy “hồi sinh”
Trong số 6 nhà máy trước đây hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ, đến năm 2018, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng và Nhà máy Thép Việt – Trung bước đầu có lãi.
Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại (Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi) và 1 dự án (Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) chuẩn bị khởi động trở lại. Riêng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với các nhà thầu.
Bài và ảnh: Minh Chiến
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More