Văn hóa

‘Sinh tôi ra đã có Hải Phòng’

Đó là câu thơ mở đầu trường ca Những người trên cửa biển của Văn Cao. Ông hoàn thành trường ca này vào mùa xuân năm 1956, cách đây 67 năm. Đó là thời gian Hải Phòng vừa mới qua 300 ngày để người lính Pháp cuối cùng rời Hải Phòng bước xuống chiếc tàu đổ bộ, chấm dứt hoàn toàn sự cai trị của thực dân Pháp trên toàn miền Bắc VN.

Theo dõi ngày giải phóng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng xúc động: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân“.

Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995).

Đầu năm 1956, Văn Cao đã chào mừng Hải Phòng giải phóng bằng trường ca hơn 600 câu thơ, mà đoạn mở đầu là lời tự sự của tác giả:

“Sinh tôi ra đã có Hải Phòng

Đầu nhà mới trồng cây mận

Bãi Sú bồi thành bến

Nhà máy xi măng đã dựng bên sông”

Trước khi lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ, tôi đã may mắn được đọc trường ca này của Văn Cao in trong một hợp tuyển thơ. Hồi đó tôi mới tập tọng làm thơ, và Những người trên cửa biển đã khiến tôi say mê. Một bài thơ dài đầy sức ám ảnh với một người lính trẻ khao khát được vào chiến trường, giáp mặt chiến tranh để… làm thơ như tôi. Dù công việc chính tôi được phân công khi vào chiến trường là làm báo, không phải làm thơ.

Hồi đó, thơ miền Bắc quá hiếm trường ca, trừ trường ca Bài ca chim Chơ-Rao của Thu Bồn từ miền Nam gửi ra, một trường ca “có cốt truyện” theo kiểu một “khan kể” của các dân tộc Tây nguyên.

Trong khi đó, Những người trên cửa biển là một trường ca mang tính hiện đại, cốt truyện ẩn, nổi lên những hình ảnh, những mảng thơ, cấu trúc tự do, và tác giả là “nhân vật chính” tự sự trong suốt bản trường ca này.

Văn Cao đúng là một “người Hải Phòng thứ thiệt” dù quê ông ở Nam Định, theo những bà con di dân xuống Hải Phòng tìm cơ hội sống:

“Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam Phủ Lý

Như Nam Định

Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát

Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu”

Và những di dân ấy, trong đó có Văn Cao, đã gặp Hải Phòng:

“Hải Phòng nhiều mây nhiều nước

Mênh mông bốn phía chân trời”

Trường ca Những người trên cửa biển là viết về những người dân miền Bắc đã chọn Hải Phòng là quê hương. Và họ đã bám mãnh liệt vào đất biển Hải Phòng như những cây sú, cây vẹt:

“Không ai nhớ từ bao giờ

Giữa các ngả sông về biển

Ai đã lấp đầy những dòng sông bãi sú vô danh”

Văn Cao đã viết về nhân dân mình ngay chỗ mà nhân dân chọn ở, sinh cơ lập nghiệp, lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt để có miếng ăn, để nuôi con khôn lớn, để Hải Phòng trở thành một thành phố công nghiệp từ những năm đầu của thế kỷ 20:

“Cồn đất lầy um tùm cây cỏ dại

Nổi lên thành một phố

Ngọn khói đùn lên sừng sững chân trời

Người dân thành phố

Mồ hôi còn nước mặn phù sa

Dầu mỡ bụi than

Sống như muối đọng lấy bờ lấy bãi

Sống chắt chiu đùm bọc yêu thương

Che chở nắng mưa đỡ đần buổi gạo

Đoàn thuyền nát buộc vào nhau ngày bão

Chưa quá ba đời, sống trong một xóm

Chưa đầy chục người chết trong một mái nhà thuê”

Trường ca này là lịch sử Hải Phòng được viết bằng thơ, là dồn nén bao xúc động, đau đớn, trải nghiệm được mất, nhiều đoạn thơ thống thiết như tiếng kêu của người dân nghèo khổ Hải Phòng. Thơ Văn Cao đã hòa trọn vẹn vào đời sống cơ hàn mà bất khuất của nhân dân Hải Phòng, của những công nhân Máy Sợi, Máy Tơ, Máy Chỉ…:

“Tôi nghe nơi lòng tôi

Thấy tiếng người trong xóm

Con mắt nhìn như nhau

Trái tim đập như nhau

Cảnh đời khổ như nhau

Bao tình yêu khát vọng hy vọng

Là tiếng con sông mảnh đất viên đá Hải Phòng

Người với từng luồng nước mạch đất, gân đá chung quanh”

Và từ nơi lầm than nhưng đầy sức sống ấy, từ những tên địa danh đầy quăng quật ấy của Hải Phòng, Văn Cao đã đến với cách mạng.

Tôi yêu thơ Văn Cao bắt đầu từ tình yêu trường ca Những người trên cửa biển của ông. Sau 5 năm ở chiến trường Nam bộ, ngày hòa bình thống nhất tôi lại được về nhà cha mẹ mình ở Hà Nội, rồi tôi được đạp xe đạp xuống Hải Phòng chơi, dù lúc ấy tôi chưa quen ai ở đó. Nhưng Văn Cao đã cho tôi biết Hải Phòng, qua thơ ông.

Các thế hệ thanh niên Hải Phòng bây giờ chắc khi đọc trường ca Văn Cao thật khó hình dung về quê hương Hải Phòng của họ ngày xưa ấy.

Một tác phẩm văn học, một bản trường ca cập nhật thơ hiện đại như Những người trên cửa biển khi là một tác phẩm để đời, sẽ dắt dẫn các thế hệ người đọc đến sau cả trăm năm không chỉ hiểu, mà còn đầy cảm xúc khi khát khao muốn biết quê hương Hải Phòng của mình ngày xưa ấy.

Bây giờ, sau khi nhà thơ lớn Văn Cao qua đời đã ngót 30 năm, đọc lại tác phẩm lớn này của ông, càng yêu thêm Hải Phòng của chúng ta. Hải Phòng của VN đang trở thành một thành phố đẹp dịu dàng và rực rỡ. Và đồng hành với thành phố Hoa phượng đỏ ấy, vẫn còn bản trường ca bất tử Những người trên cửa biển của thiên tài Văn Cao.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Văn Cao, xin có mấy dòng chân thành này gửi tới linh hồn một người anh “rất Hải Phòng“.

Thanh Thảo

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ thông xe đường Đỗ Mười kéo dài

Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More