Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong lần chất vấn Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại kỳ họp Quốc hội diễn ra đầu tháng 6/2019 đó chính là vấn đề đổ xô xây dựng chùa chiền, trục lợi từ các công trình tâm linh.
Mặc dù, ngành văn hóa chưa “điểm mặt đặt tên” được các trường hợp cụ thể, nhưng không thể phủ nhận những “siêu dự án” du lịch gắn yếu tố tâm linh đang bung ra ồ ạt.
Những công trình đội lốt chùa
Hiện nay, khá nhiều DN đang đổ xô vào xây chùa với quy mô lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc ta. Và, chùa xây sau luôn cố gắng làm to hơn chùa trước.
TS Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: “Trước kia xây chùa là thể hiện đất nước hưng thịnh, nhưng bây giờ xây chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà nó còn gắn liền với du lịch. Nói chính xác nếu làm khu du lịch đơn thuần thì khó thu hút khách cho nên người ta xây thêm vào khu du lịch đó một ngôi chùa, quàng vấn đề tâm linh vào đó để dễ thu hút khách. Những dự án đó đón đầu cho một trào lưu mới đang rất phát triển, du lịch tâm linh, một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận”.
Chùa Tam Chúc. Ảnh: Giang Huy
Ví như ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), gốc tích ban đầu chỉ là một chùa nhỏ nằm sâu trong hang, theo nghiên cứu của các chuyên gia, lịch sử của ngôi chùa có từ thời Nguyễn trở lại đây. Tuy nhiên, đến nay chùa Bái Đính đã được mở rộng với quy mô gấp 100 lần. Chùa Bái Đính được biết đến là một ngôi chùa có quy mô lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam hiện nay.
Quần thể chùa Bái Đính có diện tích được xác lập là rộng nhất Việt Nam với 539ha bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 và các hạng mục khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị… Quan trọng hơn cả, đến mùa lễ hội, chùa Bái Đính lại nổi lên với những câu chuyện như đua nhau nhét tiền vào tượng Phật, các loại dịch vụ trông giữ ô tô xe máy, chở xe điện… đều ở mức “cắt cổ”, giúp DN có nguồn thu lớn.
Sau chùa Bái Đính phải kể đến, khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) có diện tích lên đến 5.100ha; khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) 18.940ha; khu du lịch tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) 450ha (trong đó khu tâm linh 88,7ha).
Những “siêu dự án” du lịch gắn yếu tố tâm linh đang bung ra ồ ạt khiến không ít chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo lắng và đặt ra câu hỏi: Các khu du lịch tâm linh tại nhiều vùng trên cả nước chiếm hàng nghìn héc ta ấy có giúp ích gì cho đời sống của người dân địa phương không, có mang lại điều gì cho ngân sách Nhà nước không?
Tham nhũng tâm linh
Theo thống kê, tại các điểm du lịch tâm linh, nguồn chi tự nguyện cho các hoạt động công đức, phục vụ tế lễ, cầu nguyện là khá lớn. Bên cạnh đó, các chi tiêu cơ bản cho hoạt động di chuyển để phục vụ nhu cầu chiêm bái như cáp treo, thuyền, đò, xe điện… cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ. Và những nguồn thu dễ nhìn thấy này là lý do khiến nhiều đối tượng đầu cơ, ồ ạt xây dựng các dự án du lịch tâm linh để trục lợi, thậm chí dựng lên những công trình giả để thu lời bất chính.
Nhiều người vẫn chưa quên việc lực lượng chức năng tại địa bàn thắng cảnh chùa Hương đã phải ra quân rầm rộ để giải tỏa hơn 40 chùa giả, động rởm được dựng lên trái phép trong khu vực cách đây nhiều năm. Tương tự, có thời gian người dân ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng không khỏi giật mình khi khu vực núi Trường Lệ xuất hiện một chùa lạ xây dựng trái phép trên mảnh đất của tư gia tự đặt tên là “Linh Sơn Thượng”.
Hay gần đây là việc xây dựng pho tượng bà Chúa Xứ trên Núi Sam, tỉnh An Giang, đã gây bức xúc dư luận. Ðiều đáng nói, dù chưa có phép, dự án vẫn được tiến hành. Phải tới khi công trình sắp hoàn thành, trước áp lực dư luận và chính quyền, chủ đầu tư mới xin lỗi và tháo dỡ…
Trên thực tế, còn có công trình phục vụ du lịch tâm linh chủ yếu chỉ gây ấn tượng mạnh ở cái tên “có vẻ” huyền bí, yếu tố lạ, tính hoành tráng, độ choáng ngợp hơn là giá trị tinh thần mang ý nghĩa tâm linh. Và đương nhiên, khi điểm du lịch tâm linh hướng đến mục tiêu lợi nhuận thì những chuyện như thu phí, đặt hòm công đức dày đặc, ra giá cúng, khấn thuê, hóa sao giải hạn… trở thành chuyện thường tình. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hậu quả sẽ không chỉ là nguy cơ phá vỡ cảnh quan vốn hài hòa của di tích, mà còn góp phần tạo nên tình trạng ngày càng thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm tín ngưỡng của cộng đồng.
Có thể nói rằng, những hành vi trục lợi nói trên chính là biểu thị của hiện tượng “tham nhũng tâm linh” xuất phát từ sự mưu cầu lợi ích cá nhân, thiếu sự hiểu biết và bị lôi cuốn theo tâm lý đám đông. Từ đây những hành vi biến tướng được nhân rộng, trở nên phổ biến, tạo cơ hội, điều kiện để một số tổ chức, cá nhân biến một số cơ sở thờ tự thành địa chỉ “buôn thần, bán thánh”, lợi dụng lòng tin của người dân để lừa bịp nhằm trục lợi, thu lời.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong cuộc trả lời chất vấn mới đây của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, quản lý tôn giáo, quản lý chùa là của Bộ Nội vụ. Rồi các vấn đề về hành nghề mê tín dị đoan ở các cơ sở tôn giáo thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra nguyên nhân của mê tín dị đoan có rất nhiều như tác động của mặt trái cơ chế thị trường lan truyền nhanh chóng những hành vi lệch lạc trong thực hành tín ngưỡng, do thói quen chưa thay đổi, do kẻ xấu lợi dụng, do trình độ dân trí… Có nghĩa rằng, đơn vị nào chịu trách nhiệm ngăn chặn tình trạng trục lợi tâm linh vẫn chưa rõ ràng.
Vài năm gần đây, ngành văn hóa du lịch đã ban hành nhiều văn bản nhằm hạn chế các biểu hiện trục lợi, mê tín dị đoan trong lễ hội. Quyết liệt bày tỏ ý kiến, có văn bản phối hợp với các ngành để chấn chỉnh tình trạng ồ ạt dâng sao giải hạn… Nhưng dường như các giải pháp này mới giải quyết được “phần ngọn” của tình trạng. Các “siêu dự án tâm linh” bung ra không mang lại lợi nhuận cho Nhà nước và Nhân dân mà chỉ làm giàu cho DN.
Theo TS Trần Hữu Sơn, để ngăn chặn được các siêu dự án tâm linh: Vấn đề hiện nay là chúng ta phải xem lại luật về đầu tư và tích tụ ruộng đất, xem luật có cấm không và tích tụ ruộng đất nhiều như vậy thì phải thỏa mãn yêu cầu gì trong luật?
Để tránh những tiền lệ không đáng có về sau, phải gấp rút hoàn thiện luật, đặc biệt là tích tụ ruộng đất để làm du lịch núp bóng tâm linh. Và cũng không thể nói, ngành văn hóa không có trách nhiệm gì góp phần ngăn chặn tình trạng này.