Tỷ lệ gây tai nạn của các loại xe tải và xe container tương đồng với các loại hình phương tiện khác, nhưng với kích thước lớn, khi xảy ra tai nạn hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn các phương tiện khác.
Thủ phạm các vụ tai nạn nghiêm trọng
Hồi đầu năm 2019, tại ngã tư Bình Nhựt (tỉnh Long An) đã xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng do xe container lao vào dòng người chờ đèn đỏ, khiến 4 người tử vong và hơn 19 người khác bị thương.
Sau vụ việc này, liên tiếp từ đầu năm đến nay, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe tải, do xe container liên tiếp diễn ra. Gần đây nhất, sáng ngày 23/7/2019, trên đoạn đường khoảng 1,5 km tại quốc lộ 5 (đoạn qua huyện Kim Thành, Hải Dương) đã liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn, lấy đi sinh mạng của 7 người, làm bị thương 2 người. Trong số này có 2 vụ liên quan đến xe tải và xe container.
Cụ thể, vụ thứ nhất xảy ra hồi 4h10 tại lối mở dải phân cách vị trí Km 63+300, xe ô tô 16 chỗ chạy hướng Hải Phòng – Hà Nội đâm vào người dắt xe đạp qua đường làm nạn nhân tử vong. Vụ thứ 2 xảy ra vào khoảng 5h30 tại lối mở qua dải phân cách vị trí Km 61+800, xe containter chạy hướng Hải Phòng – Hà Nội đâm vào xe tải đang qua đường từ lối mở làm lái xe tải tử vong. Vụ thứ 3 xảy ra vào hồi 6h05 xe tải chạy hướng Hà Nội – Hải Phòng đâm vào dải phân cách và 7 người trên 4 mô tô đang dừng chờ sang đường làm chết 5 người và bị thương nặng 2 người.
Trước đó, vào ngày 17/6, tại Km 134+300 đoạn qua ngã ba Đồng Bảng, xã Đồng Bảng (huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe khách giường nằm mang BKS 27B-003.71 đi hướng Hà Nội – Sơn La và xe tải thùng đang lưu thông theo hướng ngược lại, khiến 3 người chết và 37 người khác bị thương.
Tại Đồng Tháp, khoảng 12h10 ngày 23/3/2019, tại Km 50+300 quốc lộ 30, thuộc ấp Bình Chánh (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình), xe đầu kéo lưu thông trên quốc lộ 30 hướng từ huyện Thanh Bình đi TP. Cao Lãnh đã bị đứt phần sơ mi rơ móc ra khỏi đầu kéo. Phần rơ-móc kéo phía sau bị lật sang bên phải, đè lên 3 người đi xe máy thiệt mạng.
Cần nhiều giải pháp quyết liệt
Bàn về những nguyên nhân dẫn đến việc gây tai nạn của xe tải, xe container, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) cho rằng, về mặt khách quan, các phương tiện này có kích thước lớn, nên khi xảy ra tai nạn hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn các loại phương tiện khác. Còn nguyên nhân chủ quan thuộc về ý thức người điều khiển phương tiện và chủ doanh nghiệp.
Còn theo các chuyên gia về giao thông, do có kích thước dài, chiều cao và tải trọng lớn, cùng khả năng vận hành khác biệt, nên quá trình xử lý tình huống của xe tải, xe container sẽ chậm hơn xe con và các phương tiện khác. Đặc biệt, do xe container dùng phanh hơi tang trống, độ trễ lớn, nên khi phanh, loại xe này cần quãng đường lớn gấp đôi để dừng hẳn… Đây chính là những lý do khiến loại phương tiện này nếu gặp sự cố có thể gây ra hậu quả lớn cho các phương tiện lưu hành gần nó.
Ngoài ra, lái xe container thông thường phải có tay nghề giỏi, kinh nghiệm lâu năm, nhưng do phải chạy đường dài liên tục khiến cơ thể mệt mỏi, nhiều người dùng chất kích thích giữ tỉnh táo, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn. Đơn cử vụ tai nạn ở Long An, tài xế có kinh nghiệm lái xe 7 năm, nhưng xét nghiệm cho thấy dương tính với nồng độ cồn và chất ma túy. Trách nhiệm này thuộc về các doanh nghiệp, bởi lái xe nghiện ma túy, doanh nghiệp không thể không biết.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 895/CĐ-TTg gửi các Bộ Công an, GTVT; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; UBND tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên để khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương và ngăn ngừa các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phối hợp với Tổng công ty Phát triển hạ tầng đầu tư tài chính Việt Nam, Sở GTVT Hải Dương, Hưng Yên và TP. Hải Phòng kiểm tra nâng cấp điều kiện an toàn hạ tầng giao thông trên toàn tuyến Quốc lộ 5. Trước mắt, tổ chức giao thông, cắm biển hạn chế tốc độ và làm gờ giảm tốc tại các vị trí điểm mở dải phân cách và qua các khu vực đông dân cư. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cầu vượt nhẹ qua đường tại các đoạn tuyến có đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, trường học, bệnh viện.
Cùng với đó, giao Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các sở GTVT trong cả nước tổ chức rà soát, đánh giá tình hình an toàn giao thông trên các đoạn tuyến đi qua khu đông dân cư, các điểm mở dải phân cách cứng trên các tuyến quốc lộ trọng điểm trong cả nước, xây dựng phương án khắc phục trước mắt bằng nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Đối với những đoạn tuyến cần có đầu tư nâng cấp lớn thì nghiên cứu đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2026.
Giao Bộ GTVT cùng Sở GTVT Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu ô tô trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm có lưu lượng phương tiện vận tải lớn, như Quốc lộ 5, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.367 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.279 vụ, làm chết 3.738 người, bị thương 6.334 người.