Các bến bãi vật liệu xây dựng (VLXD) đang tồn tại ven bãi sông ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố hoạt động lộn xộn, nhiều sai phạm, nhưng chưa bị xử lý nghiêm. Việc lập lại trật tự, siết chặt quản lý, thống nhất quy hoạch các bến bãi kinh doanh VLXD là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng thành phố Cảng văn minh, hiện đại.
Kỳ 1:Hoạt động lộn xộn, nhiều vi phạm
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tiến hành kiểm tra 79 tổ chức, cá nhân kinh doanh VLXD ven các bãi sông, phát hiện nhiều vi phạm. Các vi phạm này tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp mạnh để chấn chỉnh, xử lý dứt điểm.
Ngổn ngang bến bãi
Hai bên bờ sông Lạch Tray đoạn từ chợ Bến Phà (quận Kiến An) đến cầu Kiến An lâu nay tấp nập bến bãi VLXD. Một số người dân địa phương cho biết, các bến bãi này hoạt động nhiều năm qua, từ khi chưa xây cầu Kiến An, chình ình 2 bên bờ sông. Hằng ngày, xe chuyên chở vật liệu xây dựng vào ra ồn ào cả bến sông, nhất là bụi từ các loại vật liệu như gạch, cát, xi măng…mờ mịt khiến những hộ dân sống gần khu vực này luôn bức xúc. Sau khi cầu Kiến An được xây mới đến nay, việc đi lại thuận tiện hơn, chiếc cầu khá đẹp, nhưng từ trên cầu nhìn xuống, các bến bãi VLXD vẫn nguyên vị trí, thậm chí hoạt động tấp nập hơn trước.
Bãi tập kết kinh doanh VLXD dưới chân cầu Kiến An
Tại khu vực cầu Khuể, qua sông Văn Úc, hai bên phía chân cầu thuộc địa bàn thị trấn Tiên Lãng và xã Chiến Thắng (huyện An Lão) có 3 bãi VLXD lớn. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở thị trấn Tiên Lãng cho biết, tại chân cầu Khuể phía thị trấn Tiên Lãng, bến tập kết VLXD ngày nào cũng tấp nập xe vận chuyển VLXD. Tàu bè thường xuyên cập bến để chuyển VLXD tập kết tại đây. Những ngày hanh, khô, xe chở gạch, cát, đá từ bến bãi đi qua phía chân cầu Khuể làm khu vực này phủ đầy bụi bẩn.
Những năm gần đây, nhiều cây cầu mới được xây dựng ở cửa ô thành phố khang trang, thiết kế đẹp, hiện đại. Phía dưới các cây cầu là những dòng sông đã đi vào lịch sử, gắn với truyền thống lâu đời của thành phố Cảng như sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Tam Bạc, sông Văn Úc…tạo cảnh quan và vị thế đặc thù của thành phố Cảng. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, phía dưới cầu, ven các con sông nói trên nhiều năm qua đều tồn tại các bến bãi kinh doanh VLXD nhếch nhác. Cụ thể, khu vực cầu Bính, cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên), cầu Kiến An, cầu Niệm (quận Kiến An), cầu An Đồng (huyện An Dương)…đều có hàng chục bến bãi VLXD lớn, nhỏ, hoạt động buôn bán VLXD trên bến dưới thuyền và vận chuyển đường bộ nhộn nhịp hằng ngày.
Phần lớn bến bãi vi phạm quy định bảo vệ đê điều
Qua rà soát, thống kê ban đầu của Sở Xây dựng Hải Phòng, toàn thành phố có 255 bãi tập kết, kinh doanh VLXD trên các bãi bồi ven sông, biển, trong phạm vi bảo vệ đê điều. Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố vừa tiến hành kiểm tra một số bãi kinh doanh VLXD. Kết quả cho thấy, khá nhiều bãi VLXD vi phạm quy định. Khi kiểm tra 2 bãi kinh doanh VLXD của Công ty CP thương mại Việt Thắng và Phú Quý tại phường Đông Hải 1 (quận Hải An), đại diện lãnh đạo công ty báo cáo, giải trình về việc diện tích bãi VLXD đang sử dụng thuê lại của một HTX nhưng khi đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy tờ, cả 2 đơn vị này không có hợp đồng cho thuê đất cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất. Kết quả kiểm tra tại các quận Ngô Quyền, Kiến An, Dương Kinh, các huyện: Kiến Thụy, An Lão cho thấy có 8 bãi kinh doanh VLXD không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng Sở Xây dựng, phần lớn bãi kinh doanh VLXD phải được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng qua kiểm tra 79 tổ chức, cá nhân, phát hiện 21 tổ chức, hộ kinh doanh không có giấy phép hoạt động. Đáng chú ý, phần lớn hộ kinh doanh VLXD không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, có nhiều vi phạm như: không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh không đúng nội dung đăng ký, bến bãi tập kết không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc sử dụng sai mục đích thuê đất; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế; kinh doanh chưa tuân thủ quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm hàng hóa kinh doanh; các loại VLXD kinh doanh tại bến bãi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chẳng hạn việc kinh doanh cát tại các bến bãi chủ yếu là hàng trôi nổi từ các tàu hút cát trái phép trên sông. Không ít trường hợp chủ bến bãi VLXD không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước trong nhiều năm.
Trước đó, trong đợt kiểm tra việc chấp hành pháp luật đê điều và công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố vào giữa tháng 12 – 2017, đoàn kiểm tra của Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ rõ tình trạng vi phạm đê điều trên địa bàn thành phố Hải Phòng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Đáng nói là xây dựng nhà xưởng, san lấp lập bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD trong phạm vi bảo vệ đê và bãi sông. Theo khảo sát của đoàn kiểm tra, từ ngày 1-7-2017 đến 30-11-2017, Hải Phòng có 104 trường hợp vi phạm đê điều, trong đó, nhiều trường hợp là bãi kinh doanh VLXD, làm ảnh hưởng đến không gian thoát lũ và an toàn đê.
Kỳ 2: Làm rõ trách nhiệm quản lý
Trách nhiệm quản lý các bến bãi VLXD thuộc về chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan. Song thực tế các bãi VLXD vẫn hoạt động lộn xộn ngoài vòng kiểm soát. Chính quyền địa phương hay ngành chức năng khó quản lý, giám sát chặt chẽ…
Quản lý chồng chéo, hiệu quả chưa cao
Những năm qua, nhiều bãi VLXD vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động bởi trách nhiệm quản lý bãi VLXD giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng chưa rõ. Việc cấp phép bến thủy nội địa thuộc trách nhiệm của ngành giao thông- vận tải, nhưng công tác kiểm tra, hướng dẫn, áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa được quan tâm sát sao. Vì vậy, hầu hết bến bãi khai thác VLXD vẫn hoạt động mà không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
Bên cạnh đó, việc quản lý các bến bãi này còn thuộc nhiều ngành liên quan như : Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông nghiệp nông thôn… Tuy nhiên, vai trò phối hợp quản lý của các ngành khá mờ nhạt. Theo người dân ở thôn 2 xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) phản ánh, địa phương có 2 bến bãi kinh doanh VLXD, tập kết cát, đá, xi măng. Hằng ngày, xe chở VLXD ra vào các bến bãi làm ô nhiễm môi trường nhưng chưa thấy đơn vị nào yêu cầu doanh nghiệp kiểm soát hay cam kết bảo vệ môi trường chung quanh… Sở Xây dựng chưa kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hoạt động của bãi VLXD. Thời gian gần đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng mới chủ trì phối hợp các ngành chức năng liên quan như Sở Công Thương, Tài nguyên – Môi trường, Giao thông- Vận tải, Cục Thuế thành phố, chính quyền các địa phương, kiểm tra hoạt động của các bến bãi này.
Đại diện Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng Sở Xây dựng cho rằng, công tác kiểm tra các bãi VLXD, cần sự phối hợp nhiều ngành để xác định rõ vi phạm của từng bến bãi. Nhất là khi đoàn liên ngành của thành phố thực hiện công tác kiểm tra, một số bến bãi kinh doanh VLXD không hợp tác. Qua kiểm tra mới đây của đoàn liên ngành thành phố, có 8 chủ bến bãi VLXD thuộc phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), phường Đông Hải (quận Hải An), thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão), thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng), xã Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), xã An Hồng (huyện An Dương) chưa hợp tác.
Khó quản vì nhiều nguyên nhân
Tồn tại vi phạm của các bãi VLXD ven sông do công tác quản lý đất đai, xây dựng, đê điều tại các khu vực bãi ven sông trên địa bàn thành phố khá phức tạp, từ nhiều năm qua, nhưng việc xử lý, khắc phục hậu quả vi phạm không kịp thời, kiên quyết. Theo Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Thủy Nguyên, Vũ Văn Cảnh, trên địa bàn huyện chỉ có 15-20% số bến bãi kinh doanh VLXD được các cấp có thẩm quyền cho thuê. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, 75% số bến bãi đang hoạt động tự phát, sai mục đích, nhưng khó xử lý vì hoạt động từ lâu, nguồn gốc đất đai khó xác minh. Thực tế, đất các bãi VLXD ban đầu thường là đất công ích địa phương cho các cá nhân thuê để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp hoặc thủy sản. Tuy nhiên, qua nhiều năm, diện tích đất này thay đổi chủ sử dụng, đồng thời, thay đổi mục đích sử dụng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh VLXD nhưng chính quyền địa phương không quản lý chặt chẽ, nên sau đó rất khó xử lý vi phạm…
Ở một số địa phương, số liệu các bãi VLXD và hoạt động của các bãi này được UBND cấp xã, phường tổng hợp, báo cáo lên cấp quận, huyện chưa chính xác. Vì vậy, hồ sơ quản lý các bãi tập kết, kinh doanh VLXD còn manh mún, chưa bảo đảm quy định pháp luật. Như vậy, khó có căn cứ để xác minh, xử lý vi phạm. Công tác quản lý tại hầu hết địa phương còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ. Đơn cử huyện An Lão có 16 bến bãi VLXD, song các bến bãi này hoạt động như thế nào địa phương không nắm rõ. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) Hoàng Văn Thúy, địa phương hiện có 4 bến bãi VLXD đang hoạt động, thị trấn chỉ nắm được thời gian các bến bãi này hoạt động, còn việc chấp hành quy định của bến bãi này cùng nhiều vấn đề liên quan khác đến bến bãi VLXD, trách nhiệm quản lý thuộc về huyện và thành phố. Trường hợp gia đình ông Phạm Văn Tuấn ở xã Quang Trung (huyện An Lão) san lấp mặt bằng bãi sông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà xưởng, tập kết bãi vật liệu xây dựng trên bãi sông song chính quyền địa phương “không hay biết”, chỉ khi đoàn kiểm tra của Cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Chi cục Đê điều và Phòng, chống thiên tai Hải Phòng kiểm tra, phát hiện mới xử lý vi phạm.
(Báo Hải Phòng 21/03/2018)