Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng và đảm bảo ổn định hàng hóa Tết phục vụ người dân.
PV: Thưa ông, gần Tết là thời điểm “nóng” của tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổng cục QLTT đã có kế hoạch kiểm tra, giám sát như thế nào?
Ông Trần Hữu Linh: Những tháng cuối năm 2019, đặc biệt là dịp gần Tết Nguyên đán 2020 thị trường hàng hóa diễn ra sôi động, việc buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và đáng chú ý là hàng hóa vi phạm về ATTP tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng đó, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo tất cả các Cục QLTT trên cả nước quyết liệt mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở buôn bán thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, Tổng cục QLTT và các Cục QLTT địa phương đã triển khai nhiều chuyên đề cao điểm kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020.
Kế hoạch này tập trung vào mấy vấn đề: Thứ nhất là các mặt hàng trọng điểm, có nhu cầu cao đột biến dịp Tết như quần áo, điện máy, điện lạnh, đồ uống, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, thịt lợn, động vật và các chế phẩm từ động vật; thứ 2 là tăng cường kiểm soát các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ truyền thống và kho đông lạnh, rồi khu giết mổ tập trung, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ở trên các tuyến phố; kiểm tra các tuyến trọng điểm và địa bàn trọng điểm; thứ 3 là tập trung kiểm tra kiểm soát những hành vi gian lận trái pháp luật.
Từ đầu tháng 11/2019 đến giữa tháng 2/2020 Cục QLTT của 63 tỉnh, thành sẽ ra quân đồng loạt tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo chất lượng, đảm bảo ATTP để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
PV: Vấn đề nguồn thịt lợn khan hiếm khiến người dân lo ngại về chất lượng. Tổng cục QLTT có kế hoạch kiểm soát mặt hàng này như thế nào?
Ông Trần Hữu Linh: Bộ Công Thương luôn coi mặt hàng thịt lợn là một trong những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường và bình ổn giá cả, nhất là trong dịp cuối năm và Tết cổ truyền. Vì vậy, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát thị trường, việc cung – cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những đề xuất, tham mưu phù hợp để ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã ban hành Công văn 2344/TCQLTT-THKHTC ngày 27/11/2019 gửi Cục QLTT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc vào Việt Nam và ngăn chặn việc đưa lợn lậu sang Trung Quốc làm ảnh hưởng đến giá cả trong khi nguồn cung thịt lợn đang thiếu hụt; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển lợn sống và thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
PV: Còn các mặt hàng được coi là xách tay và buôn bán qua mạng thì công tác quản lý như thế nào?
Ông Trần Hữu Linh: Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, tiến hành kiểm tra các siêu thị, cửa hàng, hộ kinh doanh hàng hóa có hoạt động kinh doanh hàng hóa xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng.
Trong đó, tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh, kiểm tra hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hàng hóa, niêm yết giá, nhãn hiệu hàng hóa.
Đặc biệt tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… nơi có nhiều cửa hàng kinh doanh hàng xách tay, chúng tôi thực hiện kiểm tra các cửa hàng kinh doanh quanh khu vực sân bay như khu vực đường Nguyễn Sơn (Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội), phố Trung Kính (Yên Hòa, quận Cầu Giấy, HN), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và các cửa hàng, siêu thị có kinh doanh hàng xách tay.
Cục QLTT trên toàn quốc đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngoài ra, để tạo sự đột phá trong quản lý, điều hành, Tổng cục QLTT đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa công tác quản lý thị trường. Đồng thời công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng trên cả nước để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
PV: Và kết quả thanh tra, kiểm tra mà Tổng cục QLTT đã thực hiện từ đầu năm đến nay, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý hơn 140.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 500 tỷ đồng (chưa tính giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán). Có nhiều vụ việc kiểm tra, kiểm soát thu giữ hàng hóa đã chuyển hồ sơ hình sự, có những vụ việc rất lớn như buôn lậu, sản xuất hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về VSATTP.
Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra khi phát hiện có các hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có nể nang, bao che, tiếp tay cho đối tượng vi phạm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng 14/1, đồng chí Phạm Văn…
Hồi 16h30' ngày 13/1/2025, Công an thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nhận…
Chiều 13/1, tại Khách sạn Điện lực (quận Đồ Sơn), Công ty TNHH MTV Điện…
Chiều 13-1, tại UBND quận Hải An, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp…
Chính phủ yêu cầu xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của…
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (còn gọi là Nhà…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More