Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người dân nào cũng nắm chắc, hiểu đủ về quy định cách ly y tế tại nhà. Trước vấn đề này, TS. BS NGUYỄN QUANG CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng để có hướng dẫn cụ thể.
– Ông cho biết quy định cách ly y tế tại nhà được thực hiện như thế nào để bảo đảm an toàn?
– Theo quy định với các trường hợp cách ly y tế tại nhà của Bộ Y tế, yêu cầu nhà của người thực hiện cách ly phải có phòng cách ly riêng, đáp ứng các yêu cầu sau: phòng cách ly phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay và dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân. Bố trí các đồ dùng, vật dụng cá nhân, như: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt… được dùng riêng biệt. Trong phòng bố trí 2 thùng đựng chất thải: 1 thùng đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải lây nhiễm gồm khẩu trang, khăn, giấy lau và 1 thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt khác. Phòng cách ly bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên bật quạt, mở cửa sổ; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.
Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định về cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương; tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hằng ngày trên ứng dụng PC-COVID. Trường hợp không có điện thoại thông minh, phải thông báo cho cán bộ y tế hằng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở, phải báo ngay cán bộ y tế địa phương để xử lý. Nghiêm cấm ra khỏi nhà, căn hộ cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi.
Đối với các thành viên khác trong gia đình của người thực hiện cách ly tại nhà phải bố trí khu vực để cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khác đối với người cách ly; nghiêm cấm mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà, căn hộ cách ly. Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi có trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Trước cửa nhà có người cách ly phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19”.
– Với trường hợp người thực hiện cách ly là trẻ em hoặc người già yếu, cần sự hỗ trợ của người nhà thì sao, thưa ông?
– Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí 1 người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Không bố trí người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly là người tuổi cao, có bệnh nền. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương, tốt nhất lựa chọn người đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
– Khi các trường hợp F1, có nguy cơ nhiễm bệnh cao, thực hiện cách ly y tế tại nhà, chính quyền địa phương làm thế nào để quản lý, giám sát chặt chẽ, thưa ông?
– Đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID- 19 cấp xã, phường, thị trấn chỉ ra quyết định cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận nhà người thực hiện cách ly bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cách ly. Đồng thời, cung cấp cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người thực hiện cách ly thông tin (họ tên, số điện thoại) của cán bộ y tế chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe hằng ngày hoặc thông tin của cán bộ Công an, cảnh sát khu vực, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 để liên hệ. Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tổ chức quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát nghiêm việc chấp hành các quy định về cách ly y tế tại nhà đối với người áp dụng biện pháp cách ly, không để người được cách ly ra khỏi phòng cách ly. Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly hạn chế tiếp xúc với người chung quanh, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà. Chính quyền các địa phương cũng chỉ đạo tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải của người cách ly tại nhà để xử lý theo quy định. Trong trường hợp cả gia đình người cách ly đều là F1, đề nghị hỗ trợ vận chuyển, cung cấp nhu yếu phẩm và các yêu cầu cần thiết khác đến nhà ở/hộ gia đình của người cách ly.
UBND các quận, huyện phải huy động các lực lượng Công an, quân đội, y tế để tăng cường xuống các địa bàn cấp xã, phường để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát các trường cách ly tại nhà bảo đảm an toàn, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các phường, xã cần tiếp tục phát huy tối đa vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng; phối hợp các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm các quy định về cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành thì ý thức, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của mỗi cá nhân, nhất là các trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú rất quan trọng. Qua đó, góp phần cùng địa phương kiểm soát tốt, không để dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hoàng (thực hiện). Ảnh: Trung Kiên
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More