“Giờ nói Việt Nam làm được ô tô nhiều người không tin lắm. Ô tô đấy chỉ là sản phẩm lắp ráp từ bộ phận nhập từ nước ngoài, nhưng khi họ đến nhà máy VinFast thì dần thay đổi”, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup chia sẻ.
Trải qua hơn 30 năm đổi mới kinh tế, kinh tế tư nhân từ vị thế không được đối xử bình đẳng, phải chịu nhiều rủi ro, đã dần trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, làm thay đổi tầm vóc và diện mạo của nền kinh tế đất nước.
Nhưng khoảng thời gian này cũng chứng kiến một số thương hiệu lớn, từng vang bóng một thời lại biến mất do những thăng trầm của biến đổi kinh tế.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Làm gì để có thương hiệu mạnh” do Tạp chí điện tử Nhà đầu tư tổ chức, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE), cho rằng, một bộ phận quan trọng nhất, tác động đến sự giàu mạnh của một đất nước chính là các tập đoàn kinh tế lớn.
Theo đó, Việt Nam có khoảng 12.000 doanh nghiệp lớn. Trong đó có một vài tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, FPT…
GS. Nguyễn Mại phân tích: “Họ chuyển hướng rất nhanh. Vingroup ban đầu kinh doanh chủ yếu là bất động sản, sau đó đã chuyển dần sang kinh doanh đa ngành và mới đây là công nghệ dịch vụ hiện đại.
Sự dịch chuyển ấy cho thấy chúng ta có tập đoàn mạnh, dám đầu tư vào lĩnh vực mới cần nhiều vốn và công nghệ, để chuyển hướng nền kinh tế của chúng ta từ hướng tăng trưởng cũ sang hướng tăng trưởng mới. Ngoài ra, chúng ta đã có tập đoàn kinh tế mới không chỉ lớn ở Việt Nam mà còn là thương hiệu mạnh trong khu vực và dần dần ra thế giới”.
Tiếp tục đề cập tới câu chuyện xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, GS. Nguyễn Mại cho hay, hoạt động xây dựng thương hiệu phức tạp hơn rất nhiều nếu so sánh với hoạt động phát triển kinh doanh.
Cụ thể, do hoạt động kinh doanh gắn với động lực của từng con người. Vậy nên, từng xảy ra trường hợp những thương hiệu lớn cũng đã vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng và bị phạt hàng trăm tỷ USD. Do đó, đối với việc phát triển thương hiệu, cần phải có phù hợp ứng xử trong thực trạng Việt Nam.
Trong khi đó, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết, thương hiệu phải thể hiện được tính nhân văn. Nếu doanh nghiệp chỉ đưa ra logo hay các câu khẩu hiệu là không đủ, thương hiệu muốn tồn tại, phải là thứ lưu lại được trong tâm trí người tiêu dùng.
Một yếu tố khác được ông Lê Khắc Hiệp nhấn mạnh là phải để khách hàng cảm thấy được coi trọng, thoải mái khi tiếp xúc với doanh nghiệp.
“Những điều này được thể hiện qua sản phẩm, qua cảm nhận của khách hàng khi tiếp xúc với nhân viên của doanh nghiệp. Có thể người ta chưa chạm đến sản phẩm nhưng đã tiếp xúc với nhân viên rồi”, ông Lê Khắc Hiệp cho biết.
Nhìn nhận từ trường hợp Vinhomes, ông Hiệp phân tích, để làm ra một sản phẩm như nhà của Vinhomes, nhiều nơi có thể xây được tương tự. Nhưng điều khó là làm sao để nhân viên an ninh, lễ tân, quét dọn học cách phục vụ khách hàng để khách hàng thấy được coi trọng, thoải mái.
“Người ta mua nơi ở, nhưng cần có nhiều hơn từ nơi ở. Chúng tôi bán sự hài lòng cho khách hàng. Dịch vụ tốt, trải nghiệm tốt giúp thương hiệu của doanh nghiệp được khách hàng đánh giá cao”, ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ.
Với thương hiệu VinFast, vị Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, Tập đoàn đưa những mẫu ô tô VinFast đầu tiên xuất hiện ở Paris Motor Show 2018 với mong muốn thế giới biết đến ô tô Việt nhanh hơn.
Theo ông Lê Khắc Hiệp, khi làm ô tô, đôi lúc cảm thấy còn khó khăn hơn làm máy bay. Bởi khi chiếc ô tô VinFast đủ điều kiện lăn bánh trên đường phố Việt Nam, bài toán phần cứng đã được giải quyết, nhưng một bài toán khó hơn lại xuất hiện, đó là: “Làm thế nào để sản phẩm đi sâu vào tâm trí của người tiêu dùng?”.
Ông Hiệp nói: “Mọi người khi nói đến ô tô thì bảo là đi xe Toyota, đi xe máy thì bảo là đi Honda. Mong muốn của Vingroup là làm thế nào để khi hình dung đi ô tô là đi xe VinFast”.
Vị Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, ô tô VinFast có chất lượng ngang xe Đức. Doanh nghiệp cũng đang xây dựng mạng lưới phục vụ khách hàng ở khắp mọi nơi, để mỗi khi gặp sự cố người tiêu dùng sẽ được trợ giúp. Những điều này sẽ giúp xe VinFast dần chiếm được lòng tin, thay đổi nhận thức người Việt Nam.
“Giờ nói Việt Nam làm được ô tô nhiều người không tin lắm. Ô tô đấy chỉ là sản phẩm lắp ráp từ bộ phận nhập từ nước ngoài, nhưng khi họ đến nhà máy VinFast thì dần thay đổi”, ông Hiệp nói.