Đây là thông tin được ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cho biết trước bối cảnh số hóa dịch vụ khám chữa bệnh, điển hình như: triển khai y bạ điện tử, khám chữa bệnh từ xa, và số hóa dữ liệu y tế… như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Trường Nam, cùng với việc cho ra mắt Cổng công khai Y tế, nhằm khắc phục tình trạng quá tải phần mềm ở các trạm y tế, Bộ Y tế sẽ triển khai phần mềm kết nối dữ liệu liên thông với gần 12.000 trạm Y tế và 700 Trung tâm Y tế (V20).
“Mỗi một trạm y tế chỉ có 5-7 cán bộ nhưng lại dùng nhiều phần mềm khác nhau, chủ yếu quản lý ít người bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin khi chuyển đi bị sai lệch dữ liệu.
Vì thế, phần mềm kết nối dữ liệu với gần 12.000 trạm Y tế sắp được triển khai sẽ giúp các cơ quan quản lý chủ động nắm được thông tin của 12.000 trạm Y tế trên toàn quốc, đồng thời, tiến hành phân tích dữ liệu AI, mô hình hóa các loại bệnh tật từ dữ liệu của trạm y tế”, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết.
Hiện, VNPT và Viettel đã triển khai kết nối phần mềm với hơn 10.000 trạm Y tế và tập huấn cho các cán bộ ở trạm y tế.
Dự kiến, đến tháng 12/2020, phần mềm kết nối dữ liệu liên thông với gần 12.000 trạm Y tế và 700 Trung tâm Y tế (V20) sẽ chính thức được công bố.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra các mục tiêu giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh lây nhiễm. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có việc triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế xã, quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế…
Theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm gần đây, ngành y tế Việt Nam đã và đang có sự thay đổi đột phá trên cả ba trụ cột chính: phòng bệnh-chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và quản trị y tế nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách toàn diện.
Bộ Y tế cho biết, tính đến hết 2019, 100% bệnh viện đã triển khai tin học hóa, số hóa dịch vụ khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện; 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội.
Trong năm 2019, Bộ cũng triển khai thí điểm nhiều ứng dụng y tế thông minh như Bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy; phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân; phần mềm quản lý và liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc.
Môi trường pháp lý để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số ngành y tế đã sẵn sàng. Bộ Y tế đang đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến. Công nghệ đã đạt đến điểm chín muồi. Do đó đầu tư tương xứng vào các giải pháp đồng bộ từ hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đến các giải pháp số, không chỉ làm tăng năng lực cạnh tranh cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tư nhân, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số y tế quốc gia với mục tiêu hàng đầu là lấy người bệnh làm trung tâm.
Sáng nay 20/11, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khai trương Cổng công khai y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn) dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là sự kiện tiếp nối những nỗ lực thực hiện công khai, minh bạch các thông tin liên quan tới các dịch vụ y tế của Bộ Y tế, công khai hóa thông tin y tế trong 5 lĩnh vực gồm: Dược và mỹ phẩm, Trang thiết bị y tế, An toàn thực phẩm, Khám và chữa bệnh, Hành chính công.
Dương Hải