Đô thị

Sau Tết, chợ “nuốt” đường

Sau Tết, thời gian cao điểm mua sắm không còn nữa nhưng tình trạng hàng quán, chợ cóc lấn chiếm vỉa hè tràn lan, phức tạp, làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đường hè.

Công tác quản lý “chùng” xuống

Dọc tuyến đường Tô Hiệu (quận Lê Chân), hàng quán những ngày này chiếm dụng toàn bộ vỉa hè của người đi bộ. Trên tuyến, mỗi loại hoàng hóa có những kiểm cách chiếm dụng vỉa hè khác nhau. Ví dụ, ở đoạn đầu tuyến là các đồ thờ cúng, tủ tạng, hòm két và người dân kê sạp ngay trên vỉa hè (thậm chí tràn xuống mép đường ở khu vực vỉa hè chật hẹp) để bày bán hàng hóa. Đoạn giữa tuyến chủ yếu kinh doanh mô tô, xe gắn máy các loại nên các gia chủ “trưng dụng” luôn vỉa hè xếp xe 2-3 hàng kín bề mặt mặc dù địa phương đã có quy định và kẻ vạch sơn không cho phép trưng bày hàng hóa để dành lối cho người đi bộ. Khu vực cuối tuyến, đặc thù kinh doanh chủ yếu là quà sáng, cà phê, dịch vụ rửa xe nên mức độ phức tạp về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường càng nhếch nhác hơn…

Hệ lụy là ùn ứ giao thông liên tiếp xảy ra ở các khu vực ngã ba Tô Hiệu-Hàng Kênh vào bất kỳ khung giờ nào. Chưa nói, mật độ giao thông tại đây rất đông, trong khi nút ngã ba này đường, vỉa hè nhỏ hẹp, thêm nữa là tình trạng các hộ dân mặt đường lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, phương tiện vận chuyển đậu đỗ cản trở giao thông rất khó xử lý.

Cùng với đó, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến Đà Nẵng, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú; các khu vực ngã ba Cát Bi; cổng các chợ: An Dương, Trần Quang Khải, Chợ Ga, Lương Văn Can, tuyến đường An Đà cũng rất phức tạp, chẳng thua kém đường Lạch Tray hay tuyến Tô Hiệu. Rồi các tuyến phố như: Nguyễn Lương Bằng (Kiến An), Tôn Đức Thắng, Tam Bạc, tình trạng họp chợ dưới đường, chiếm vỉa hè diễn ra vào các buổi sáng gây cản trở, ách tắc giao thông. Khái niệm “đường kiểu mẫu” trước đây giờ không còn nữa vì đã… “hết mẫu”.

Theo Sở Giao thông vận tải, công tác quản lý trật tự đường hè đã được phân cấp, giao cho cấp phường và trực tiếp là các Tổ quản lý đô thị. Ngay ở khu vực ngoại thành, tình trạng “chợ cóc” lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng mặt đường làm cản trở giao thông cũng rất phổ biến. Người tham gia giao thông rất khó chịu với những khu chợ cóc: An Đồng (đường Tôn Đức Thắng); Minh Kha (thị trấn An Dương, huyện An Dương), trên đường tỉnh 351; Mỹ Đức (xã Mỹ Đức, An Lão) trên đường 354; Hòa Bình (Tiên Lãng), trên QL10…

“Lỗ hổng” quản lý nhà nước

Xin nhắc lại rằng, trước hiện trạng kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè, “chợ cóc” nuốt đường diễn ra phổ biến, phức tạp, kéo dài, năm 2022 UBND thành phố từng liên tục chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác này, đặc biệt là đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, vệ sinh môi trường đô thị dịp trước và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

UBND các quận, huyện cũng đã có những động thái nhất định. Điển hình, các quận: Hồng Bàng, Lê Chân đã triển khai nhiều đợt cao điểm ra quân, lập lại trật tự. Điển hình, UBND quận Hồng Bàng đã giao cho Phòng Quản lý đô thị chỉ đạo, giám sát Tổ quản lý các phường ra quân một cách nghiêm túc…

Lực lượng quản lý đô thị quận Ngô Quyền ra quân dẹp tệ lấn chiếm vỉa hè bày bán hàng hóa.

Tuy nhiên, TTĐT, VSMT, ATGT trên địa bàn các quận nội thành diễn biến phức tạp. Gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố (theo Công văn 377/VP-XD2), Sở Xây dựng tiến hành khảo sát, thống kê, báo cáo đề xuất phương án giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè tập trung vào các tuyến phố: Phạm Văn Đồng (đoạn từ nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đến cầu Rào), Lạch Tray, Cầu Đất, Hoàn Văn Thụ, Lê Hồng Phong; Khu vực xung quanh hồ Quần Ngựa, hồ An Biên; trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; đường Lê Thánh Tông; đường Hoàng Diệu, tất cả đã có gần 130 điểm, khu vực vi phạm, diện tích vỉa hè bị chiếm dụng khoảng gần 10.000m². Chủ thể vi phạm chủ yếu là các hộ mặt đường kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe, tập kết hàng hóa, bảng hiệu, biển quảng cáo, mái che không đúng quy định; các trường hợp buôn bán cố định và hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trong đó, hơn 60% đối tượng vi phạm là nhà hàng, quán nhậu và giải khát; mức độ lấn chiếm vỉa hè từ 50-100%; thời gian vi phạm từ 18-22h…

Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm đậu đỗ trên vỉa hè.

Cũng theo Sở Xây dựng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn biến phức tạp như hiện nay bao hàm cả yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là mấu chốt. Đó là, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra. Công tác xử lý vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết nên hiệu quả thấp.

Đặc biệt, khâu quản lý nhà nước còn chồng chéo trong việc phân cấp và cơ chế. Việc cấp giấy phép tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông của cơ quan chức năng hiện nay là chưa phù hợp với Nghị định số 100/2013/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Tình trạng UBND các phương ký hợp đồng, thu phí các hộ kinh doanh, bán hàng trên vỉa hè đang gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Theo các chuyên gia ngành, quản lý nhà nước đang bộc lộ nhiều bất cập là nguyên nhân chính dẫn đến công tác bảo đảm TTATGT, TTĐH, VSMT kém hiệu quả, chưa tương xưng với yêu cầu và sự đầu tư của thành phố. Thực tế cho thấy sau những đợt ra quân rầm rộ, rộng khắp thì vi phạm có giảm, lắng xuống rồi sau đó lại tái phát mạnh, nhanh hơn, giống như “đá ném ao bèo”.

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban ATGT thành phố cho biết, để từng bước đưa công tác quản lý TTĐT vào nề nếp, UBND thành phố đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận bàn về công tác này. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng Thường trực Ban ATGT thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành; UBND các quận, huyện phối hợp rà soát lại các văn bản quy định lĩnh vực ngành, thống nhất với các quận, huyện xác định những tuyến phố trọng điểm để từng bước xây dựng lộ trình, xác định mục đích cụ thể trong việc kinh doanh hàng quán. UBND quận, huyện phải duy trì các tuyến đường kiểu mẫu, chỉ đạo các phường, các đơn vị trên địa bàn rà soát lại các hợp đồng cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường phục vụ kinh doanh bán hàng gây khó khăn cho công tác quản lý; giải tỏa các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh hàng quán không đúng nơi quy định, xử lý kịp thời dứt điểm các vi phạm, đặc biệt là xem xét với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Đoàn Lanh

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More