Sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công Sẽ công khai, minh bạch nhiều hơn

Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Sau gần 4 năm thực hiện, Luật tạo nên sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện về nhận thức và hành động của các ngành, các cấp. Đồng vốn ngân sách được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc và yêu cầu sửa luật đã được đặt ra. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đầu tư công trong giai đoạn hiện nay và những năm tới vẫn phải lấy cốt lõi từ Luật Đầu tư công để thực hiện. Nghĩa là, quy định về đầu tư công ngày càng chặt chẽ, lấy hiệu quả làm thước đo.

 

Tại Hải Phòng, Luật Đầu tư công được quán triệt và triển khai thực hiện bài bản, trách nhiệm.

Trong ảnh: Cầu vượt nút giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm được đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Ảnh: MINH TRÍ

 

Chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải

 

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, trước khi Luật Đầu tư công được ban hành, công tác điều hành quản lý đầu tư công rất phân tán, để lại hậu quả xấu hết sức lớn. Đó là phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư các dự án tùy tiện. Nhiều ngành, địa phương quyết định đầu tư dự án nhưng không biết có tiền hay không, không biết tiền ở đâu và có bao nhiêu, quyết định đầu tư xong rồi mới đi xin vốn, không đủ vốn thì xin ứng trước, ứng trước không đủ nên kéo dài, dẫn tới nợ đọng, hiệu quả dự án không có. Luật Đầu tư công được ban hành để khắc phục tình trạng này.


Sau gần 4 năm thực hiện, có thể nói là Luật Đầu tư công đã đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm túc. Theo Bộ trưởng KHĐT, giảm được cơ bản hiện tượng đầu tư dàn trải và phân tán. Giai đoạn 2011 – 2015, cả nước khởi công thực hiện hơn 20.000 dự án. Trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, giảm chỉ còn 9.620 dự án. Trong số này, có hơn 8.000 dự án của giai đoạn 2011 – 2015 chuyển tiếp, chỉ có 412 dự án khởi công mới, chiếm không đến 4%. Các địa phương mới có điều kiện tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản (XDCB), giải quyết những hệ lụy của thời kỳ đầu tư dàn trải giai đoạn trước để lại. Cụ thể, dành 9.000 tỷ đồng trả nợ khoản ứng trước kế hoạch của những năm trước; tập trung khoảng gần 65% số vốn của giai đoạn này cho hơn 8.000 dự án chuyển tiếp.


Cũng nhờ quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công mà nợ đọng XDCB phát sinh từ sau ngày 1-1-2015 hầu như không có. Bộ KHĐT khẳng định, các ngành, các cấp, từ trung ương tới địa phương dành một phần vốn rất lớn và đã cơ bản trả hết nợ đọng XDCB của giai đoạn trước. Quan trọng hơn cả là chuyển biến về nhận thức ở các cấp, các ngành. Không còn hiện tượng tùy tiện quyết định dự án đầu tư khi chưa chỉ rõ nguồn vốn. Tất cả được thực hiện theo quy định nghiêm ngặt của Luật Đầu tư công. Thay vì lập dự án rồi mới xin vốn như trước đây, bây giờ mỗi địa phương, ngành phải xác định vốn có bao nhiêu mới lập dự án và các bước tiếp theo là thẩm định quy trình, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, quyết định chủ trương đầu tư và giao vốn hàng năm.


Tại Hải Phòng, Luật Đầu tư công được quán triệt và triển khai thực hiện bài bản, trách nhiệm. Các dự án được bố trí từ năm 2015 đến nay bảo đảm đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ rõ nguồn vốn thực hiện và được kiểm soát chặt chẽ cả về tiến độ cũng như tình hình giải ngân. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư công của thành phố được phân bổ sát đúng với yêu cầu, tập trung nhiều cho các dự án trọng điểm, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán; hạn chế khởi công dự án mới nếu chưa có vốn và đặc biệt dành nguồn lực để thanh toán nợ đọng XDCB từ những năm trước. Trong quá trình thực hiện, thành phố thường xuyên rà soát, kiểm tra và kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chưa đủ điều kiện giải ngân hoặc giải ngân chậm sang các dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt, nhiều khả năng hoàn thành, bảo đảm hiệu quả đồng vốn đầu tư công.


Bố trí vốn đầu tư công ngày càng chặt chẽ

 

Mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng tiếng kêu về Luật Đầu tư công những năm qua cũng không ít. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều phản ánh, do quy định chặt chẽ, nhiều quy trình, thủ tục, qua nhiều cấp xét duyệt, không chế về thời gian quyết định dự án đầu tư công (trước ngày 31- 10 hằng năm) trong khi các điều kiện cần thiết tiếp theo như khả năng thu ngân sách của năm (thường kết thúc tháng 12 hằng năm) khó dự báo chính xác; kỳ họp HĐND các địa phương để thông qua chương trình, dự án đầu tư công cũng diễn ra vào cuối năm nên tình trạng “bốc thuốc” dự án đầu tư công là có. Để rồi sau đó lại phải một chu trình bổ sung, chỉnh sửa với rất nhiều quy trình, thủ tục khác nhau. Tình trạng giao vốn nhiều lần, giải ngân chậm… cũng ảnh hưởng tới kết quả thực hiện.


Hiểu thấu vấn đề này, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có nhiều tháo gỡ như ban hành nghị quyết 60 năm 2016 và nghị quyết 70 năm 2017 của Chính phủ. Chính phủ cũng nhận thấy các bất cập trong một số quy định của Luật Đầu tư công, đang trình với Quốc hội để sửa Luật  theo hướng thể chế hóa các đường lối của Đảng liên quan đến tái đầu tư công và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Theo Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng, sẽ phân cấp triệt để, từ lựa chọn dự án, phân bổ vốn cho đến điều chỉnh vốn, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho các địa phương và các bộ ngành.


Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mặc dù sẽ sửa Luật Đầu tư công để phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng tinh thần chung vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, không được lơ là để quay trở lại giai đoạn trước. Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ bảo đảm sự công khai, minh bạch nhiều hơn. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, của người đứng đầu các cấp thực hiện liên quan đến các khâu, các đoạn của phân bổ vốn và giải ngân vốn. Vấn đề quan trọng là dự án đầu tư công, bố trí nguồn vốn đều liên quan mật thiết tới công tác thu ngân sách nên từng địa phương đều phải cân đối, tính toán rất chặt chẽ để thực hiện. Từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào ngân sách Trung ương vì miếng bánh ngân sách có hạn, vốn ODA đang giảm dần. Mỗi địa phương sẽ phải tích cực, chủ động huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư công đáp ứng yêu cầu phát triển.


HỒNG THANH – Báo Hải Phòng 15/11/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More