Qua đường dây nóng Báo Hải Phòng, các hộ dân sống ở khu bến đò Quán, xã Bát Trang (huyện An Lão)- ven cửa sông Văn Úc phản ánh: bãi sông này đang sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình nhà ở và tính mạng của người dân, nhất là khi đang vào mùa mưa bão. Vì thế, các hộ dân mong muốn được khẩn trương hỗ trợ di dời đến nơi ở mới an toàn.
Sạt lở đến tận móng nhà
Ngày 9-9, tại bến đò Quán, khoảng 200 m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn sạt lở dài khoảng 30 m, vào sát móng nhà dân, cuốn trôi diện tích lớn đất trồng vải, chuối và nhà ở, nhà bếp và sân của 8 hộ dân sống ở đây. Ông Nguyễn Văn Nhũ, 63 tuổi nuối tiếc kể: “Sạt lở bờ sông vào sát tận móng nhà của gia đình, sâu từ 8 m đến 13 m. Trước đây, khu vực này là bãi bồi trồng vải, chuối, bưởi rộng đến 2 sào. Đấy là kế sinh nhai hàng chục năm nay của gia đình, nhưng nay bị cuốn theo dòng nước. Chưa kể sân và nhà ông đang bị nghiêng về phía dòng sông, lún, nứt và có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Từ cuối năm 2018 đến nay, gia đình ông phải mua 7 xe tải đá, cát, chi phí gần 100 triệu đồng để kè bờ sông. Nhưng chỉ sau một thời gian, cát, đá lại bị cuốn trôi”.
Sạt lở nghiêm trọng hơn là hộ ông Nguyễn Văn Phương và hộ chị Nguyễn Thị Oanh. Cụ thể, gia đình ông Phương bị sạt mất nhà bếp, khu giếng, nhà vệ sinh, 1 căn nhà cấp 4 là nơi ở của vợ chồng con trai ông cùng hơn 1 sào vườn. Diện tích đất nhà ông Phương bị sạt tới gần 20 m tính từ mép sông vào. Gia đình tốn 30 triệu đồng mua đá kè, lấp bạt nhựa vào bờ sông. Mất nhà, con trai ông Phương phải xây tạm gian nhà cấp bốn để ở vào năm 2018, nhưng đến nay nhà cũng bị nứt nghiêm trọng. Cùng hoàn cảnh, nhà chị Oanh bị nước cuốn trôi khu đất trồng 6 cây vải, 1 nhà cấp 4, nhà bếp, nước tiếp tục chảy xoáy vào tận móng nhà. Chị Oanh phải quây tạm tấm bạt nhựa vào phần tường nhà bếp còn lại để sống tạm.
Theo Chủ tịch UBND xã Bát Trang Phan Viết Lệ, khu vực bến đò Quán là bãi sông nằm ngoài bờ đê sông Văn Úc. Tại bãi sông này có 71 hộ dân sinh sống, xây dựng nhà ở và canh tác sản xuất nông nghiệp từ trước năm 1995. Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra từ năm 2017 và tình hình nghiêm trọng từ cuối năm 2018. Trong đó, 8 hộ ở ven sông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sạt lở này. Nguyên do, trước năm 2016, một đơn vị tư nhân được phép khai thác cát tại khu vực bãi bồi Soi Mờ, gần bến đò Quán. Từ năm 2016, đơn vị này dừng hoạt động do giấy phép khai thác hết hiệu lực. Nhưng do bãi bồi không còn, nên làm thay đổi hướng chảy của dòng nước sông, dẫn đến sạt lở bờ sông khu vực bến đò Quán.
Sớm hỗ trợ di dời
Năm 2018, UBND xã Bát Trang báo cáo UBND huyện An Lão và các ngành chức năng về việc này. Ngay sau đó, UBND huyện cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra, đề xuất phương án bảo đảm an toàn cho các hộ dân tại đây.
Cũng từ năm 2018, UBND huyện An Lão có văn bản gửi UBND xã Bát Trang và các đơn vị chức năng yêu cầu 8 hộ dân tại khu vực sạt lở tạm lánh về khu vực an toàn vào các đợt mưa bão. Đồng thời, theo Quyết định số 49 ngày 7-1-2013 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tại các vùng thiên tai, hải đảo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, 71 hộ dân thôn Quán Trang được quy hoạch bố trí tái định cư tập trung tại thôn Nghĩa Trang, xã Bát Trang trên diện tích 1,5 ha.
Song, trước tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra, đầu năm 2019, UBND xã Bát Trang phải cắm biển cảnh báo để ngăn chặn người và phương tiện tiếp cận khu vực sạt lở; đồng thời có phương án bố trí điểm tạm lánh cho 8 hộ dân ở tại là trường tiểu học thôn Quán Trang, xã Bát Trang vào các đợt mưa bão. UBND xã cũng thông báo các hộ dân không xây dựng mới các công trình mà chỉ cải tạo, sửa chữa một số công trình xuống cấp để bảo đảm an toàn trong sinh hoạt và sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Bát Trang Phan Viết Lệ cho rằng: 8 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp cần được di dời đến nơi ở mới an toàn vì đang trong mùa mưa bão. UBND xã bố trí được đất tái định cư theo chỉ đạo của UBND thành phố, nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng đến 10 tỷ đồng, nên địa phương không có kinh phí thực hiện. Ngoài ra, 8 hộ dân vùng sạt lở đất chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông, phương án bố trí tái định cư cho các hộ là không phù hợp với nghề nghiệp của họ. Chính vì thế, tại cuộc làm việc vào tháng 4-2019 của UBND xã, 8 hộ dân đều đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp kinh phí khoảng 300 triệu đồng/hộ để các hộ tự bố trí chỗ ở mới an toàn. Vì thế, UBND xã Bát Trang đề nghị UBND huyện An Lão, thành phố xem xét phê duyệt phương án hợp lý nhất để di dời đối với 8 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ sạt lở bờ sông.
Về lâu dài, thành phố quan tâm bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng khu tái định cư tại xã để di dời các hộ còn lại đến nơi ở mới an toàn. Qua đây, ngành chức năng cần xử lý nghiêm đơn vị khai thác cát trước đó không thực hiện hoàn trả mặt bằng điểm mỏ khi dừng hoạt động vào năm 2016, dẫn đến gây sạt lờ bờ sông khu vực đò Quán, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại đây.
Bài và ảnh: Mạnh Quang. Nguồn: Báo Hải Phòng