Print Thứ Năm, 06/07/2023 15:50 Gốc

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm, nhất là tân sinh viên bắt đầu nhập học, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin tuyển dụng việc làm online để kiếm thêm thu nhập. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” bởi những chiêu lừa đảo tinh vi được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cuộc cách mạng khoa học và COVID-19 đã trở thành điều kiện thuận lợi cho thị trường công việc online phát triển. Tuy nhiên, không ít người đã “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo, trong đó có một số học sinh, sinh viên.

Người tìm việc cần thận trọng khi tìm kiếm việc làm trên các trang mạng xã hội.

V.T.A (19 tuổi, sinh viên) là một nạn nhân của “biến tướng tuyển dụng online“. Sau khi tham gia vào một hội nhóm tìm việc trên Facebook, A. đã quyết định lựa chọn công việc online vì muốn tiết kiệm thời gian và có thể làm nhiều công việc cùng lúc. “Khi ứng tuyển, tôi chủ yếu chọn những công việc liên quan đến chuyên ngành để vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm để làm phong phú CV sau khi tốt nghiệp và đi xin việc“, nạn nhân chia sẻ.

Chàng sinh viên V.T.A đã bắt gặp rất nhiều thông tin tuyển dụng nhân viên SEO với mức lương rất hấp dẫn 70.000 đồng-100.000 đồng cho một bài viết chỉ 600 chữ nên đã ngay lập tức ứng tuyển và được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để tạo tài khoản ngân hàng. Tài khoản ngân hàng đó sẽ được dùng để công ty chuyển lương, lý do được bên tuyển dụng đưa ra là: “Chuyển tiền nội bộ cho dễ“. Thêm vào đó, những “nhà tuyển dụng online” yêu cầu cậu sinh viên này phải nộp 1,5 triệu đồng tiền cọc để công ty xác nhận và lập tài khoản ngân hàng với lời hứa “sau này, số tiền cũng sẽ được chuyển vào tài khoản cùng với lương“.

Với mong muốn có được việc làm, A. đã làm theo yêu cầu và chuyển 1,5 triệu đồng là toàn bộ số tiền dành dụm được sau nhiều tháng đi chạy bàn tại quán ăn. Khi nhận được tiền, “nhà tuyển dụng” ngay lập tức biến mất và mọi thông tin liên lạc đều không thể sử dụng được, lúc này cậu sinh viên mới nhận ra mình đã bị lừa, nhưng đã quá muộn.

Tương tự, H.M.P (18 tuổi), hiện đang là sinh viên tại Trường Đại học Hải Phòng cũng là nạn nhân của “tuyển dụng online” nhưng với hình thức tinh vi hơn. Vô tình gặp một bài đăng tuyển cộng tác viên bán son, nữ sinh viên này đã không ngần ngại ngay lập tức liên hệ với shop để ứng tuyển. Ban đầu người tuyển dụng trả lời rất nhiệt tình: “Làm 15 ngày, mỗi ngày 1 bài đăng, 50k/1 bài đăng nếu chưa có khách, còn 100k/bài đăng nếu sau 15 ngày bán được 20 thỏi son. Khi khách mua thì shop sẽ giao hàng cho mình trước và mình trả tiền hàng để lấy son về rồi mình tự giao cho khách, sau đó thu về cả gốc và hoa hồng“.

Sau khi đăng bài, ngay lập tức có người liên hệ hỏi đặt hàng với số lượng là 12 thỏi son tổng tiền hàng là 3,6 triệu đồng và giải thích là để dạy học viên. Vì là đơn hàng đầu tiên nên P. đành phải lấy tiền cá nhân để trả, kết cục mắt trắng. “Có thể đối với nhiều người, số tiền trên là con số không đáng kể, nhưng với tôi là rất lớn vì còn là sinh viên và cũng phải vay mượn bạn bè để lấy hàng“, P. nghẹn ngào chia sẻ.

Điều khiến học sinh, sinh viên dễ rơi vào bẫy lừa đảo là sự thiếu kinh nghiệm. Các bạn trẻ thường có tư duy: Có rất nhiều thời gian rảnh nên kiếm việc làm để có tiền trang trải thêm kinh phí học hành. Điều này vô hình trung, trở thành điểm yếu để các “nhà tuyển dụng online” có thể lợi dụng.

Đáng lưu ý, các đối tượng thường tập trung vào những mảng, ngách thị trường dành cho những lao động phổ thông, sơ đẳng trên Internet với những công việc như là: Gõ đánh máy văn bản, duyệt đơn online, thậm chí có những dạng xem video tiktok bấm like cũng được trả tiền.

Chỉ có điều, công việc đơn giản mà có mức thù lao lớn bao giờ cũng là chuyện hết sức bất thường nếu có thể nói là không bao giờ có trên đời. Yêu cầu nạn nhân đặt cọc tiền trước và hứa tiền này sẽ trả vào tài khoản ở công ty; yêu cầu lập tài khoản ngân hàng của ngân hàng nào đó… là một trong những dấu hiệu của lừa đảo.

Thị trường làm việc online đem đến nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng kèm theo không ít thách thức, đặc biệt là những “biến tướng“. Không ít học sinh, sinh viên đã mất tiền oan mà không giải quyết được vấn đề việc làm…

Lan Phương

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Sập bẫy” lừa đảo tuyển dụng online
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác