Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia vừa qua, dự án “Nghiên cứu hành vi xăm hình và các biện pháp tác động giáo dục ở học sinh THPT” do hai học sinh Vũ Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Tường Vy (Trường THPT Kiến An, Hải Phòng) thực hiện đoạt giải Tư, được ban giám khảo ấn tượng bởi tính thực tiễn và ý nghĩa giáo dục cao.
Dự án được bắt đầu từ chính một trường hợp cụ thể trong lớp Nguyễn Tường Vy do cô giáo, thạc sĩ Bùi Thị Hà Phương làm chủ nhiệm. Một bạn học sinh nữ có hình xăm trên cơ thể, do khi còn nhỏ được người thân trong gia đình dẫn đi xăm. Cũng vì hình xăm đó, học sinh này luôn e dè, mặc cảm không dám tham gia các hoạt động chung của lớp.
Trước câu chuyện trên Nguyễn Tường Vy có những nhận định cho riêng mình, nung nấu ý tưởng làm gì đó để các bạn học sinh có nhận thức đúng đắn hơn về việc xăm hình. “Theo em xăm hình không phải là điều gì đáng lên án như xã hội và mọi người nghĩ, nhưng riêng với các bạn học sinh, chỉ nên xăm hình khi đã hiểu rõ và chịu trách nhiệm về hành động của mình, chứ không phải do người khác tác động”. Ý tưởng đã có, Vy bàn bạc với Vũ Nguyễn Hải Đăng, học sinh lớp 12, đồng thời là Trưởng Ban Kỹ thuật CLB nghiên cứu khoa học của trường, rồi đăng ký đề tài với cô giáo chủ nhiệm để được hướng dẫn.
Thời gian chuẩn bị cho cuộc thi cấp thành phố khá gấp rút, các đội chỉ có 3 tháng làm việc. Ngoài giờ học trên lớp, cô Bùi Thị Hà Phương và hai học sinh phải tranh thủ từng giờ để họp nhóm, cùng nhau trao đổi, thảo luận về đề tài của nhóm, học thêm các kiến thức, kỹ năng mới. Một phần rất quan trọng trong đề tài của nhóm xã hội là hình thành mẫu phiếu khảo sát, lấy ý kiến thực tế và sau đó tổng hợp, phân tích dữ liệu thu thập được bằng phần mềm. Nhóm tiến hành khảo sát trực tiếp các bạn học sinh tại 8 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát hết sức bất ngờ: Cứ trong 500 học sinh THPT, có 100 em xăm hình, vĩnh viễn hoặc tạm thời. Điều này chứng tỏ, xăm hình đang là trào lưu, khá thu hút học sinh.
Từ thực tế khảo sát, cô và trò xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tư vấn, tuyên truyền về các mặt tích cực cũng như tiêu cực của việc xăm hình. Nhóm nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu để soạn thảo cuốn sổ tay tư vấn với nội dung: “Xăm hìnhNghệ thuật hay sự huỷ hoại?”, trong đó đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về xăm hình, cũng như hậu quả do việc xoá hình xăm, phát đại trà tới học sinh tại các trường trước đó từng khảo sát. Đồng thời, nhóm tổ chức thử nghiệm một số buổi toạ đàm và tuyên truyền học sinh tại một số lớp của Trường THPT Hàng Hải. Kết quả bước đầu cho thấy tính hiệu quả của hoạt động giáo dục tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh trước hành vi xăm hình. “Nhiều học sinh sau khi thấy được tác hại của việc xoá hình xăm dẫn đến sẹo, hoại tử…, cho biết sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn trước khi xăm hình. Cũng có nhiều bậc cha mẹ, giáo viên đến dự buổi tư vấn, ở một mức độ nào đó cũng có cái nhìn thoáng hơn về việc xăm hình của học sinh và con em mình. Chúng tôi cũng xúc tiến làm việc với các trường, để xây dựng phòng tư vấn tâm lý cho học sinh. Không chỉ là về việc xăm hình, mà còn rộng hơn là các vấn đề khác trong cuộc sống của các cháu…”.
Đánh giá tính thực tiễn của đề tài, thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An cho biết: “Đề tài của hai em Vũ Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Tường Vy có tính lan toả và góp phần thay đổi suy nghĩ, hành vi của các em học sinh. Nhà trường quyết định tổ chức toạ đàm, dự kiến để hai em Đăng và Vy lên thuyết trình dưới sự có mặt của 1400 học sinh toàn trường, có thể cả đại diện học sinh các trường THPT trên địa bàn quận. Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên nhân rộng phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh hơn nữa”.
Dự án “Nghiên cứu hành vi xăm hình và các biện pháp tác động giáo dục ở học sinh THPT” thông qua khảo sát, nghiên cứu hành vi của học sinh trên 8 trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố để tìm ra giải pháp và các biện pháp giáo dục nhằm giảm hậu quả do xăm hình gây ra, hình thành đời sống tâm lý tích cực, lành mạnh cho học sinh. Nhóm nghiên cứu đưa ra và thực hiện các giải pháp như sau:
– Xây dựng “Sổ tay tư vấn” về hành vi xăm hình và phát đại trà tới học sinh.
– Tổ chức các hoạt động xã hội, tuyên truyền kỹ năng sống với chủ đề “Xăm hình- nghệ thuật hay hủy hoại?” thí điểm tại một số trường THPT. Đề nghị và làm việc với các nhà trường để xây dựng Phòng tư vấn tâm lý cho học sinh.
Bài và ảnh: LÊ HIỆP