Print Chủ Nhật, 16/07/2023 10:00 Gốc

Hiện nay, sản xuất collagen chủ yếu lấy nguyên liệu từ xương và da của lợn và trâu bò, không đủ nguồn cung. Trong khi đó, collagen được tách chiết từ nguồn tài nguyên biển có nhiều ưu việt hơn, đặt biệt là ở sứa, nguồn tách chiết collagen đơn giản, nhanh và cho hiệu suất tách chiết cao.

Kế thừa đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình tách chiết collagen từ sứa Rhopilema hispidum (Vanhoffen, 1888) tại Hải Phòng” do TS.Phạm Thế Thư làm chủ nghiệm đề tài đã được UBND thành phố nghiệm thu vào năm 2021, nhóm nghiên cứu do TS.Đinh Thị Hà làm chủ nhiệm đã nghiên cứu dự án “Sản xuất thử nghiệm collagen từ sứa Rhopilema hispidum (Vanhoffen, 1888) tại Hải Phòng”. Đây đồng thời là nhiệm vụ do Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đề xuất, chủ trì thực hiện.

Trước đó, Nghiên cứu xây dựng quy trình tách chiết collagen từ sứa với 3 quy trình công nghệ được nhóm nghiên cứu đề xuất đã cho kết quả hiệu suất tách chiết collagen bằng công nghệ sinh học sử dụng enzyme pepsin có nhiều ưu việt cho phát triển ứng dụng. Với hơn 100mg bột collagen khô, hơn 100mg bột collagen ướt và hơn 100mg dung dịch collagen nồng độ 30mg/ml sản phẩm thu được từ quá trình tách chiết, sản phẩm collagen tách chiết chủ yếu là protein, chiếm tới 89%, tiếp đến là hàm lượng carbohydrate và tro. Đặc biệt, trong thành phần của collagen không phát hiện lipit. Đây là thông số có tính chất ưu việt trong khả năng ứng dụng collagen vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu chất lượng khác đều nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Nghiên cứu tách chiết collagen từ sứa biển được thực hiện tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển.

Phát huy những kết quả đã đạt được của đề tài trước, đại diện nhóm nghiên cứu dự án “Sản xuất thử nghiệm collagen từ sứa Rhopilema hispidum (Vanhoffen, 1888) tại Hải Phòng” cho biết, một trong những điểm mới của dự án là sử dụng enzyme protease tối ưu hơn so với enzyme pepsin trong các nghiên cứu trước đó để tách chiết collagen từ sứa. Qua đó, mục tiêu chính của đề tài là sản xuất thử nghiệm được collagen từ sứa Rhopilema hispidum (Vanhoffen, 1888) tại Hải Phòng ở quy mô công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu xác định 6 nội dung nghiên cứu chính: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất collagen từ sứa Rhopilema hispidum tại Hải Phòng cho sản xuất thử nghiệm; xây dựng mô hình thiết bị và tổ chức sản xuất thử nghiệm collagen từ sứa Rhopilema hispidum ở quy mô pilot tại Hải Phòng; xây dựng mô hình thiết bị và tổ chức triển khai sản xuất thử nghiệm collagen từ sứa Rhopilema hispidum tại Hải Phòng ở quy mô công nghiệp; đánh giá chất lượng sản phẩm collagen từ sứa Rhopilema hispidum tại Hải Phòng và so sánh với các loại collagen từ các nguồn nguyên liệu khác hiện có trên thị trường; xây dựng hồ sơ tiêu chuẩn của sản phẩm collagen ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và bảo vệ sức khỏe; đánh giá công nghệ, dự án và đề xuất biện pháp phát triển.

Trong đó, nhóm nghiên cứu dự kiến sản xuất được 30 kg bột collagen với độ tinh khiết ≥90% bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định dùng cho thực phẩm và mỹ phẩm, quy trình công nghệ sản xuất collagen từ sứa với quy mô công nghiệp 1.500kg sứa nguyên liệu/mẻ và đào tạo được 2 cán bộ kỹ thuật vận hành mô hình thiết bị sản xuất collagen từ sứa Rhopilema hispidum.

Dự án đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ Hội đồng tư vấn phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ ngày 7/7/2023 do TS.Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng.

Để dự án có thể triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, các thành viên Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm bổ sung, chỉnh sửa các nội dung theo hướng hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm collagen peptit từ sứa Rhopilema hispidum tại Hải Phòng; cần làm rõ nội dung kế thừa từ đề tài nghiên cứu trước, tính mới của dự án sản xuất thử nghiệm và làm rõ các nội dung và kết quả nghiên cứu (sản phẩm cuối cùng là gì, hướng tới thị trường nào; sản phẩm đảm bảo các chỉ tiêu, quy chuẩn nào; lựa chọn đối tác thực hiện dự án là doanh nghiệp có tiềm năng, xem xét hồ sơ năng lực của doanh nghiệp; tính toán lại hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của dự án…).

Là ngư trường chính phân bố loài sứa Rhopilema Hispidum (chiếm 88% tổng trữ lượng sứa biển Việt Nam, ước khoảng 1.048.040 tấn), tuy nhiên, tại Hải Phòng, sứa chủ yếu được khai thác và sơ chế tiêu thụ nội địa làm thực phẩm ăn liền và xuất khẩu dạng sứa muối mang lại giá trị kinh tế thấp. Việc triển khai dự án sản xuất thử nghiệm collagen tứ sứa có giá trị thực tiễn cao.

TÚ QUYÊN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sản xuất thử nghiệm collagen từ sứa Rhopilema hispidum (Vanhoffen, 1888) tại Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác