Hai bên đã đi tới sự thống nhất rất quan trọng về định hướng, các bước đi cần thiết, cho thấy dự án có nhiều khả năng được triển khai, mở ra cơ hội rất lớn về một ngành sản xuất công nghiệp rất tiềm năng cho Hải Phòng: Sản xuất điện.
Khơi thông ngành công nghiệp mới
Để tới được kết quả như ngày hôm nay, giữa Hải Phòng và Exxol Mobile; Jera đã có cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu một cách rất thận trọng và kỹ lưỡng. Theo đó, từ năm 2018, nhà đầu tư cùng tư vấn Royal Haskoning và Viện Năng Lượng nghiên cứu thị trường và điều kiện kĩ thuật (điều kiện hàng hải, lĩnh vực điện, khí, hiện trạng và nhu cầu …) của Việt Nam, làm việc với các địa phương và tập trung vào một số vị trí có tiềm năng trong đó có Hải Phòng. Tới năm 2019 đã chính thức lựa chọn Hải Phòng là địa điểm đầu tư và chính thức đề xuất dự án. Sau đó Exxol Mobile đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đệ trình đề xuất dự án và báo cáo bổ sung quy hoạch tới thành phố và Bộ Công Thương. Tháng 10/2020 đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ giữa thành phố Hải Phòng-Exxon-Jera liên quan đến nghiên cứu phát triển dự án tại Hội nghị kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương dưới sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ và Nhật Bản trong khuôn khổ hợp tác năng lượng chiến lược JUSEP. Năm 2021, chủ đầu tư đã nghiên cứu tiền khả thi cho dự án tại Tiên Lãng; họp, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và tháng 11/2021 đã hoàn thành nghiên cứu để báo cáo thành phố và chờ quy hoạch điện 8 để có cơ sở pháp lý trình nộp chính thức và tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của Việt Nam.
Tính khả thi của dự án còn được thể hiện từ quyết tâm rất cao của nhà đầu tư và thành phố Hải Phòng. Lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo mọi đều kiện thực hiện dự án. Ông Peter R. Lavoy, Giám đốc cấp cao, Quan hệ chính phủ toàn cầu, ExxonMobil Corporation nhấn mạnh: trong quá trình tìm hiểu, khảo sát tại các địa phương gần biển của Việt Nam, ExxonMobil nhận thấy Hải Phòng là địa phương duy nhất hội đủ các điều kiện để hiện thực hóa dự án LNG có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho thấy hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Không chỉ có ExxonMobil, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất năng lượng sạch trong và ngoài nước cũng đang hướng tới Hải Phòng với kỳ vọng lớn lao. Về điện khí, ngoài ExxonMobil, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất với Hải Phòng xây dựng Nhà máy điện khí LNG tại đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải, công suất 1600 MW.
Bên cạnh đó, Hải Phòng còn thu hút được rất nhiều nhà đầu tư mong muốn được sản xuất điện gió ngoài khơi. Trong đó lớn nhất là dự án của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) liên danh với Công ty CP Tậpđoàn T&T thực hiện. Công ty CP năng lượng Bitexco đề xuất xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ công suất 3.300MW; Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất dự án điện gió công suất 3.000MW; Công ty TNHH Xuân Cầu đề xuất dự án công suất 3.000MW; Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất dự án công suất 3.000MW… Có thể thấy, nguồn năng lượng gió của Hải Phòng khá dồi dào, khả năng sản xuất năng lượng gió rất khả thi với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư tầm cỡ.
Ngoài điện khí, điện gió, Hải Phòng cũng đang xúc tiến các bước đi cần thiết để sản xuất điện rác. Cụ thể, thành phố đang mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải phát điện. Theo đó, sẽ có 1 nhà máy tại Đình Vũ, quận Hải An công suất phát điện 40MW; 1 nhà máy tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo công suất 20MW. Với các nhà máy này, Hải Phòng vừa giải quyết được bài toán rác thải đang khá nhức nhối ở cả thành thị và nông thôn hiện nay, vừa có thêm nguồn năng lượng mới.
Quy mô lớn, công nghệ hiện đại
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, các dự án mới được đề xuất đều có quy mô rất lớn và nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD. Dự án Tổ hợp Nhà máy điện khí LNG của Tập đoàn Exxon Mobil có tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỷ USD. Dự án sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1: 3x750MW đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2027; giai đoạn 2: 3x750MW đưa vào vận hành giai đoạn 2029-2030.
Dự án của Tập đoàn Orsted và T&T đề xuất có tổng công suất 3.900MW; tổng mức đầu tư lên tới 11,9-13,6 tỷ USD. Vị trí dự kiến nghiên cứu là vùng biển ngoài khơi phía đông nam, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 14km; với diện tích khoảng 870km². Dự án sẽ tạo nên khoảng 13,7 tỷ kWh điện năng sản xuất hàng năm.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thành phố Hải Phòng có đầy đủ hệ thống cảng nước sâu, sân bay quốc tế, đường giao thông kết nối hiện đại và thuận tiện. Chính vì vậy, công nghiệp thành phố phát triển nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng gần 20%/năm; sản lượng tiêu thụ điện tăng nhanh, dự kiến tới năm 2030 sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Do đó, việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn mong muốn đầu tư các dự án năng lượng sạch tại Hải Phòng là xu thế tất yếu, đáp ứng tốt nhất yêu cầu về điện trong tương lai.
Xác định sản xuất năng lượng sạch là ngành công nghiệp mới nhiều tiềm năng, tại các cuộc làm việc mới đây của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tại Hải Phòng, thành phố đều đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện, bổ sung các dự án cụ thể nêu trên của Hải Phòng vào Quy hoạch điện 8. Như thế, Hải Phòng sẽ có đủ điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp đầy tiềm năng này; góp phần đưa công nghiệp Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ, xứng đáng là một trong 3 trụ cột kinh tế của thành phố./
Hồng Thanh
Cơ quan CSĐT, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị…
Nhân Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), sáng 20/11,…
Chiều 19/11, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng phối hợp với Sở Tài nguyên…
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố đối tượng lừa…
Nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024 ), chiều 19/11,…
Công an huyện An Lão (Hải Phòng) vừa khởi tố, tạm giam 2 đối tượng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More