Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:02

Với việc Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quá trình hội nhập càng sôi động, nhộn nhịp hơn. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đâu chỉ là chuyện nội bộ của 2 cường quốc này mà thực tế đang tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới các hoạt động đầu tư, thương mại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Hải Phòng, Việt Nam không thể “bình chân như vại” được nữa mà phải xốc phá để bắt kịp xu thế hội nhập.

 

Công nhân Công ty TNHH Aichi Tokei Denki Việt Nam.

Ảnh: DUY LÊ

 

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cơ hội hội nhập rất lớn và chỉ khi doanh nghiệp chuẩn bị sẵn tâm thế mới có thể chớp được thời cơ. Với sự gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu và đang đặt trọng tâm vào khu vực châu Á, Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có xu hướng dịch chuyển, đưa cơ sở sản xuất đến Việt Nam. Tiếp nữa, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu bởi thị trường toàn cầu rộng lớn, nhất là tới các quốc gia tham gia vào những hiệp định thương mại tự do và thuế suất dành cho các hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng sẽ giảm. Cùng với đó là những lợi thế về chuyển giao công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp…

 

Thế nhưng, thách thức cũng không nhỏ và nếu mỗi doanhnghiệp không hoạch định được chương trình, kế hoạch hội nhập sẽ nhanh chóng thua thiệt ngay trên sân nhà hoặc có thể dẫn tới phá sản. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khi làn sóng hàng nhập ngoại liên tục đổ về Việt Nam với vô số chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt hơn hẳn hàng Việt với mức giá người tiêu dùng có thể chấp nhập được, thậm chí nhiều mặt hàng có giá rẻ hơn nhiều so với hàng nội cùng loại. Nói cáchkhác, sự cạnh tranh về hàng hóa,dịch vụ và đầu tư sẽ ngày càng gay gắt và mang tính toàn cầu; phảiđối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như cácphương thức kinh doanh ngày càng cao. Vì vậy, theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, đội ngũ doanh nghiệp phải được xốc lại, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững thông tin hội nhập để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: địnhhướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh. Việc này, đối với nhiều doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được trong thời gian ngắn nhưng nếu không thay đổi để phù hợp thị trường thì sẽ tự đào thải khỏi cuộc chơi.

 

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, hội nhập là thay đổi từ hành động. CPTPP hay các hiệp định thương mại khác là cơ hội để Nhà nước cải cách thể chế; doanh nghiệp cải tiến hoạt động theo hướng minh bạch hơn, năng động hơn phù hợp những tiêu chí của hội nhập. Vì thế, hội nhập ngày càng sâu rộng thì không chỉ cơ quan chức năng xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình. Doanh nghiệp cần tìm hiểu nội dung và các quy định cũng như cam kết được đưa ra trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết và tìm hiểu xem các doanh nghiệp đối tác nước ngoài họ cần gì ở thị trường Việt Nam, cần gì ở các doanhnghiệp Việt Nam, cần phải cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị nhà nước như thế nào… để điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần khẩn trương, chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…; cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp. Nói cách khác, doanh nghiệp cần có ý thức đầy đủ về vai trò của mình để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới nhằm đầu tư phát triển cũng như sẵn sàng tâm thế để hội nhập thành công.


TRỌNG NHÂN – Báo Hải Phòng 29/12/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sẵn tâm thế hội nhập
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác