Sẵn sàng để người dân nộp thuế, phí, phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 10-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị nhằm kiểm thử, đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là vấn đề cấp bách. Việc tích hợp thêm các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia có ý nghĩa quan trọng, vừa cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh do người dân không phải đi lại để thực hiện các thủ tục trực tiếp.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau 3 tháng khai trương, tính đến 17h ngày 9-3, đã có 77.226 tài khoản đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Chuẩn bị cho sơ kết 3 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, một số dịch vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được bổ sung.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Dự kiến, chiều 13-3 sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, sơ kết 3 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp bổ sung các dịch vụ công trên. Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc bảo đảm các dịch vụ tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện được ở mức độ 3, 4, thanh toán điện tử và có thể trải nghiệm được ngay vào thời điểm khai trương. Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống.

Được biết, để thực hiện được dịch vụ này, người dân phải tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi thanh toán xong, Cổng sẽ chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ sang cơ quan CSGT của các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm.

Mặc dù dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới đây chỉ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận nhưng việc trả kết quả tại nhà được VNPT triển khai trên toàn quốc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chiều 13-3 sẽ công bố bổ sung 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia này, gồm: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ôtô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Thời gian từ nay đến thời điểm công bố không còn dài, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần rà soát lại để có thể vận hành trơn tru, chú ý tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, thực hiện đúng nguyên tắc đăng nhập một lần, loại bỏ bớt hồ sơ đính kèm.

Quy trình thực hiện với người nộp phạt tối đa chỉ mất khoảng 10 phút

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Cục CSGT phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), hai ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank làm việc không kể ngày nghỉ và đúng đến 21h00 ngày 9-3 đã kết nối thành công dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Qua demo của Cục CSGT cho thấy, người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng vẫn có thể thực hiện việc nộp phạt trực tuyến. Theo đó, sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt đó để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu.

Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết thêm.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, số biên bản xử phạt vi phạm hành chính sinh ra từng ngày, không phải là số duy nhất, vì vậy người dân phải sử dụng 3 trường thông tin trên (số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên) để tìm ra quyết định xử phạt. Đặt vấn đề “từ khi có biên bản đến khi có quyết định xử phạt là bao lâu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng quy trình xử lý trong hệ thống CSGT cần phải rút ngắn để ra quyết định xử phạt một cách nhanh nhất, tốt nhất là trong ngày.

Lý giải điều này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn 7 ngày, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bởi vì có hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…, nhưng có những hành vi cần phải xác minh làm rõ như giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp… Với hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay, sau ca công tác (4 tiếng), tổ tuần tra kiểm soát bàn giao giấy tờ biên bản cho bộ phận trực tại nhà để ra quyết định xử phạt.

P.A

Phương Thủy

Nguồn tin: Báo CAND

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More