Công ty CP thạch cao Đình Vũ được thành lập từ năm 2010 với mục tiêu là xử lý chất thải gyps (PG) của Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ để sản xuất ra thạch cao nhân tạo dùng cho sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu. Dự án được tạo điều kiện cấp đủ thủ tục pháp lý, được Bộ Khoa học- Công nghệ hỗ trợ về công nghệ và một phần kinh phí thuộc đề tài khoa học cấp quốc gia; được Bộ Tài nguyên- Môi trường xét duyệt cho vay vốn ưu đãi thuộc Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ. Sau một thời gian vừa nghiên cứu, vừa đầu tư, năm 2017, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và có sản phẩm.
Tổng Giám đốc Công ty CP thạch cao Đình Vũ Nguyễn Chu Dương cho biết, nhà máy có tổng giá trị đầu tư 220 tỷ đồng với dây chuyền công nghệ tự động hóa cao với công suất thiết kế 750.000 tấn/năm dạng vê viên và 1 triệu tấn/năm dạng bột. Công ty cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể nâng năng lực sản xuất lên gấp đôi. Từ quý 2- 2017, nhà máy vận hành ổn định, sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ bã thạch cao PG của Công ty DAP Đình Vũ đạt TCVN 11833:2017, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích; được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy. Trong năm 2018, Công ty CP thạch cao Đình Vũ ký được hợp đồng cung cấp thạch cao nhân tạo, từng bước cung cấp cho các nhà máy xi măng Nghi Sơn, Sông Thao, Thăng Long, Cẩm Phả, Bút Sơn, Hoàng Thạch, Hạ Long, Tân Quang, Long Sơn, Bắc Giang… Năm 2018, công ty tiêu thụ được 130.000 tấn. Đáng chú ý là giá bán sản phẩm thạch cao nhân tạo Đình Vũ chỉ bằng 2/3 giá thạch cao tự nhiên nhập khẩu.
Cùng với đó, công ty ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) để nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao PG làm vật liệu san nền. Cuối năm 2018, đề tài được thông qua và được triển khai thực nghiệm thay thế cho lớp base làm thử 200 m đường giao thông nông thôn tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, bước đầu đạt kết quả tốt. Từ đây, mở ra một hướng mới trong xử lý bã thải thạch cao của Nhà máy DAP Đình Vũ.
Tháng 6-2018, Công ty CP thạch cao Đình Vũ gửi công văn tới UBND thành phố Hải Phòng báo cáo tình hình sản xuất và tiêu thụ của nhà máy và cam kết nếu được hỗ trợ, có cơ chế chính sách thuế và tiêu thụ phù hợp, nhà máy chế biến thạch cao sẽ duy trì vận hành đạt và vượt công suất thiết kế và trong vòng 3- 5 năm tới, xử lý hết đống bã thạch cao PG đang tồn đọng của Công ty DAP.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chu Dương cho biết, sản lượng thạch cao tiêu thụ hiện còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ sản xuất xi măng của các nhà máy đã ổn định với định mức cấp phối sản xuất dùng thạch cao tự nhiên, nếu chuyển sang dùng thạch cao nhân tạo đòi hỏi phải có thời gian thí nghiệm để đưa ra được định mức cấp phối sử dụng phù hợp. Vì thế, hiện các nhà máy xi măng mới đang sử dụng trộn thạch cao nhân tạo với thạch cao tự nhiên nhập khẩu với tỷ lệ dưới 50%, chưa sử dụng 100%.
Vì thế, Công ty CP thạch cao Đình Vũ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có cơ chế khuyến khích các nhà máy xi măng quan tâm sử dụng thạch cao Đình Vũ với phương châm người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để từng bước thay thế thạch cao nhập khẩu. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm thuế suất giá trị gia tăng đối với sản phẩm thạch cao nhân tạo từ 10% xuống 0% vì đây là sản phẩm được sản xuất ra từ xử lý chất thải công nghiệp, nhất là đây là loại chất thải đang rất cần được xử lý cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Chu Dương, theo nội dung Quyết định 1696 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động xử lý tro, xỉ, thạch cao và sử dụng thành phẩm làm vật liệu xây dựng được hỗ trợ, ưu đãi như đối với hoạt động xử lý chất thải rắn (tái chế, sử dụng) theo quy định hiện hành về xử lý chất thải rắn. Do đó, cần có chính sách ưu đãi hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị sản phẩm thạch cao nhân tạo được sử dụng làm phụ gia của các nhà máy xi măng. Có như vậy, mới khuyến khích các nhà máy xi măng tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước, từng bước hạn chế và giảm dần lượng thạch cao nhập khẩu.
Việc, nghiên cứu và bỏ nguồn vốn đầu tư lớn để biến chất thải công nghiệp thành sản phẩm hữu ích không đơn giản, tiêu thụ được sản phẩm lại càng nan giải hơn. Nếu không có chính sách cụ thể, phù hợp, không có sự quan tâm của các bộ, ngành chức năng, không thể khuyến khích được các nhà khoa học, cũng như các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Vấn đề này cần sớm được các bộ, ngành trung ương quan tâm giải quyết, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra cho tới năm 2020 về xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất.
THANH HIỆP – baohaiphong.com.vn