“Sân Lạch Tray có lịch sử hình thành vắt qua hai thế kỷ, gắn liền với những chặng đường phát triển của thể thao thành phố Cảng và đất nước, đủ điều kiện để trở thành di tích của thành phố”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai nói vậy và cho biết ngành sẽ xúc tiến công việc này.
Đây là tin mừng với người dân Hải Phòng vốn nặng lòng với sân Lạch Tray. Bởi mai kia, thành phố sẽ xây dựng sân vận động lớn, với sức chứa 40-50 nghìn người ở địa điểm mới, nhưng sân Lạch Tray sẽ vẫn được gìn giữ.
Sân Lạch Tray xứng đáng là di tích bởi chứng kiến nhiều sự kiện trên con đường trưởng thành của thể thao Hải Phòng và đất nước. Đó là dấu ấn của nền thể thao quốc phòng trong lửa đạn thời chiến tranh. Dấu ấn của những đêm hội quyền Anh, thu hút hàng nghìn người tham dự khiến trung ương phải cử người về để làm giảm độ hưng phấn vì lo bom rơi, đạn lạc. Dấu ấn còn ở những trận bóng đá quốc tế, thi đấu điền kinh của VĐV đến từ các nước xã hội chủ nghĩa, qua đó mở đường để thể thao Hải Phòng phát triển môn điền kinh ngay trong thời chiến. Là những trận bóng đá giải SKDA, hạng A1 toàn quốc, những sự kiện thể thao lớn có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Lạch Tray còn là “bệ phóng” để đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 22 năm 2003.
Mấy chục năm qua, tới sân Lạch Tray ngày cuối tuần xem bóng đá là thói quen của người Hải Phòng và nhiều địa phương bạn. Cụm từ “đi Tray” chủ nhật trở thành quen thuộc và chứa đựng sự tự hào của người dân Hải Phòng.
Nêu những nét sơ lược trên để thấy cần sớm đưa sân Lạch Tray trở thành di sản của cộng đồng. Gần 30 năm qua, sân chưa từng được sửa chữa lớn, bây giờ duyên dáng, hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông “bầu” Văn Trần Hoàn của Hải Phòng FC đồng hành với thành phố, cùng đầu tư kinh phí cải tạo sân Lạch Tray.
Khi hoàn thiện, sân Lạch Tray sẽ trở thành điểm tham quan, vui chơi và mua quà lưu niệm. Ngành Văn hóa Thể thao đề nghị Hải Phòng FC làm biển tên sân sao cho dễ thương và gần gũi, phục vụ mọi người check-in. Và để điểm đến này đẹp hơn, cần trả lại không gian xưa của sân đang bị nhiều đơn vị chiếm dụng, xé lẻ ở khu vực cổng chính trên đường Lạch Tray./.
Sông Cấm