Tích cực tham gia các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, quốc tế và giành nhiều giải thưởng cao; đầu tư xây dựng các vở diễn có chất lượng cao về tư tưởng nội dung và nghệ thuật, thu hút nhiều hơn công chúng đến với các nhà hát, rạp hát… là những dấu ấn nổi bật để 2018 được coi là “năm được mùa” với sân khấu nghệ thuật truyền thống Hải Phòng.
Cảnh trong vở “Hào khí Bạch Đằng Giang” do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn. Ảnh: Đỗ Hiền
Cải lương và chèo bứt phá
Nghệ sĩ trẻ Kim Oanh, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng vừa đoạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc diễn ra tại Long An, diễn ra từ ngày 5 đến 20-9-2018, với vai Liên trong vở cải lương đề tài hiện đại “Thất lạc giữa gia đình”. Trong vở diễn, Liên- con gái ông Bảo (nhân vật chính trong vở diễn) là một sinh viên báo chí vừa ra trường, với khát khao của tuổi trẻ, muốn dùng ngòi bút của mình vạch trần những trò khuất tất trong xã hội. Ở vai diễn này, diễn viên Kim Oanh thể hiện uyển chuyển sự thay đổi tâm lý nhân vật, từ một cô gái ngây thơ, trong sáng, lớn lên trong nhung lụa tới việc dần nhìn thấy những toan tính, mưu mô trong chính gia đình mình, mà chính bố cô- một người cô thần tượng lại là nguyên nhân của tất cả những giả dối ấy. Kịch tính được đẩy lên cao trào khi Liên với đạo đức nghề báo, chính tay đưa cho đồng nghiệp tài liệu vạch trần những khuất tất của bố. Không chỉ thể hiện tốt tâm lý nhân vật, Kim Oanh còn được ban giám khảo liên hoan đánh giá cao bởi những câu ca dài- một thế mạnh của cải lương. “Cuộc thi diễn ra trên đất của cải lương nên tôi khá run. Nhưng nhận được sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao, các anh chị đồng nghiệp, nhất là qua trau dồi kinh nghiệm diễn xuất từ những ngày tập luyện chăm chỉ, sự thăng hoa cảm xúc trong đêm diễn giúp tôi hoàn thành tốt vai diễn của mình”, nữ nghệ sĩ Kim Oanh cho biết.
Ở liên hoan này, ngoài nghệ sĩ Kim Oanh, NSƯT Đào Hải và nghệ sĩ Kim Tuyến cũng giành huy chương bạc. Nếu Kim Oanh có sự tiến bộ vượt bậc cả cách diễn và cách ca, NSƯT Đào Hải (vai ông Bảo) và Kim Tuyến (vai Ngọc) trong vở “Thất lạc giữa gia đình” được Ban giám khảo và người xem ghi nhận ở cách diễn dày dặn kinh nghiệm, khả năng làm chủ sân khấu.
Song hành với cải lương, Đoàn Chèo cũng có nhiều khởi sắc, ghi dấu ấn nổi bật với vở diễn về đề tài lịch sử. Cụ thể, với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn “dành dụm” số kinh phí ngân sách nhà nước cấp, cộng thêm nguồn huy động xã hội hóa, quyết tâm thực hiện vở diễn quy mô hoàng tráng “Hào khí Bạch Đằng Giang”. Kể từ khi ra mắt ngày 1-10-2018 đến nay, vở diễn có nhiều suất diễn tại Nhà hát thành phố, thu hút đông đảo người xem. “Thông qua các tình huống, lớp lang thể hiện và tính ước lệ đặc trưng trong nghệ thuật chèo, vở diễn được người xem yêu thích bởi nội dung sâu sắc, quy mô hoành tráng và lồng ghép được hơi thở cuộc cống, vừa tôn vinh được mảnh đất, con người Hải Phòng, vừa khiến câu chuyện lịch sử trở nên gần gũi, sinh động”, bà Nguyễn Thị Thanh, số nhà 28, ngõ 5B Phạm Phú Thứ, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) nhận xét. Bên cạnh đó, điều công chúng nhắc đến nhiều nhất là toàn bộ ê-kíp sáng tạo vở diễn là người Hải Phòng. “Không ai biểu diễn hay về sự kiện lịch sử diễn ra trên dòng sông Bạch Đằng bằng những người đang sinh sống, làm việc và thấu hiểu về mảnh đất này. Đó là lý do chúng tôi phải mất hơn 5 tháng để dàn dựng vở diễn, “đo ni, đóng giày” nhân vật của từng diễn viên”, Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Vũ Huy Thành chia sẻ.
Rực rỡ sân khấu múa rối
NSƯT Đỗ Thế Ban, Quyền trưởng Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng cho biết, năm 2018 là năm hoạt động “chóng mặt” của các nghệ sĩ, diễn viên múa rối. Tính từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến hết tháng ba, Đoàn nhận “show” biểu diễn liên tục phục vụ bà con mùa lễ hội, chương trình ngoại khóa của các trường học. Tháng 5-2018, nhận lời mời của Bộ Tư lệnh Hải quân và được sự đồng ý của thành phố, NSƯT Đỗ Thế Ban trực tiếp dẫn đoàn nghệ sĩ ra phục vụ cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1. “Bữa tiệc” tinh thần của các nghệ sĩ tham gia chuyến công tác không chỉ thắt chặt tình quân dân, còn rút ngắn khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền.
Sau chuyến công tác ấy, các nghệ sĩ múa rối lại lao vào luyện tập để tham gia lễ hội hang động tại Quảng Bình, tham gia liên hoan sân khấu múa rối tại Gia Lai và thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ thời gian ngắn sau đó, tháng 8-2018, với sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng lên đường sang biểu diễn múa rối tạp kỹ tại 3 nước Phi-lip-pin- In-đô-nê-xi-a- Ma-lai-xi-a. “Điểm nhấn trong các hoạt động của Đoàn Nghệ thuật múa rối chính là tham gia Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 5- Hà Nội 2018 với huy chương bạc cho vở diễn “Cây đàn kỳ diệu”, 1 huy vàng và 3 huy chương bạc cho các vai diễn, NSƯT Đỗ Thế Ban cho biết.
Có thể nói, các huy chương, giải thưởng cùng sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo thành phố, ngành Văn hóa-Thể thao, sự phối hợp của các địa phương, đơn vị, cũng như tình cảm của người xem tạo thêm động lực để các thế hệ nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, thể hiện hết mình. Nói như NSƯT Trần Tường, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng: “Sân khấu truyền thống đang giải tỏa, vơi bớt “ưu tư”, từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, thu hút lực lượng trẻ… để viết tiếp những thành công thế hệ đi trước gây dựng, tạo ra những tác phẩm gây tiếng vang trong giới nghệ thuật nước nhà”.
Đông Hải – Báo Hải Phòng 03/01/2019