Print Thứ Ba, 07/05/2019 13:27

Mới đó cũng đã 30 năm rồi, kể từ ngày Sầm Sơn khởi xướng Slogan “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè” của Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Huy Ngọ lúc đó. Đó có thể là sự mở đầu để Sầm Sơn – Thanh Hóa đón khách thập phương đến nghỉ mát, tắm biển, nghỉ dưỡng và trải nghiệm, trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” xứ Thanh. Trong bài viết này là những hoài niệm của tôi về ý tưởng văn hóa du lịch ở Sầm Sơn của ông Lê Huy Ngọ, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1988 – 1991.

Đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Từ vùng đất trung du các Vua Hùng, nay về nơi linh thiêng hào kiệt xứ Thanh thật bâng khuâng làm sao. Việc đầu tiên anh phải trực tiếp nắm bắt thông tin về thực trạng Thanh Hóa qua nhiều kênh, từ cán bộ nghỉ hưu, người thân, công chúng ở các địa phương trong tỉnh… trong đó có cả giới báo chí. Nhiều việc phải làm như thực hiện thông báo 74 của Trung ương về tổ chức cán bộ, mối quan hệ giữa quyền lợi, nghĩa vụ, dân chủ và cách giải quyết vụ việc của một số lãnh đạo ở cơ sở với người dân như ở xã Nam Giang, Quảng Lộc, Thọ Ngọc, Nga Thạch, Hội Văn nghệ,… vấn đề đời sống kinh tế của dân còn nhiều khó khăn nhất là miền núi đã đặt ra những trăn trở, áp lực cho anh. Xét cho cùng đó là văn hóa trong lao động sản xuất và văn hóa ứng xử nhân văn giữa người với người trong xã hội… 

Lúc đó tôi là Phó Giám đốc Sở VHTT kiêm Tổng biên tập Báo Văn hóa Thông tin, anh Lương Vĩnh Lạng – Tổng biên tập Báo Thanh Hóa và anh Lê Văn Tập – Tổng biên tập, Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa được Bí thư mời gặp. Sau những lời giao tiếp thông thường, anh Ngọ tâm sự và trong buổi gặp gỡ, trò chuyện rất cởi mở, thân tình, đầm ấm, Bí thư muốn nghe một số thông tin tình hình, trong đó có vấn đề chính trị kinh tế xã hội, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, du lịch, cố nhiên là xoáy sâu hơn về việc đổi mới khu nghỉ dưỡng Sầm Sơn…

Trong bối cảnh có sự bất hòa ở một số đồng chí trong lãnh đạo của tỉnh, một số vụ việc mất dân chủ giữa nhân dân và cán bộ ở nhiều địa phương về vấn đề việc làm, công bằng xã hội, do vậy trong lúc này phải có một việc gì đó để góp phần ổn định tình hình. Qua nhiều ngày suy ngẫm, nghiên cứu, anh Lê Huy Ngọ đã đưa ra ý tưởng “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè”, sau đó được tập thể lãnh đạo tỉnh và Sầm Sơn đồng thuận triển khai vào dịp hè 1989. Đây là một việc làm có ý nghĩa thực tế mang tính đặc thù trong sự giao thoa cộng hưởng giữa tình cảm và tư tưởng của địa phương lúc bấy giờ được khởi động từ điểm bắt đầu ở Sầm Sơn.

Nói về kinh tế Sầm Sơn ở những năm thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, anh Ngọ có liên tưởng đến câu nói trong dân: “Thanh Hóa biển cũng nhiều, rừng cũng nhiều, ruộng cũng nhiều, lam lũ sớm chiều nhưng dân vẫn nghèo”. Đô thị Sầm Sơn cũng nằm trong cái khó chung của tỉnh. Cái khó, cái nghèo của người Sầm Sơn không phải là dân không chuyên cần, không sáng tạo mà do chúng ta chưa thật sự đổi mới cách nghĩ cách làm, chưa có cơ chế mang tính đặc thù cho một nơi có tiềm năng du lịch. Mặt khác hiện nay cơ sở hạ tầng chưa được nâng cấp, nhà nghỉ, khách sạn chưa có ngôi vị cao cấp, sự đầu tư của nhà nước vẫn dàn trải còn ít ỏi… vấn đề đó đòi hỏi Sầm Sơn cần phải có lối đi đặc thù, tìm kiếm những đối tác, bạn bè gần xa xúc tiến đầu tư kể cả về kinh tế, đến văn hóa với phương châm kết nối thế mạnh nhà nước nhân dân cùng làm mang tính xã hội hóa sâu rộng hơn.

Du khách đến với Sầm Sơn, chính là để hưởng thụ không khí, sóng, nước trong lành, đặc sản biển, được tham quan khám phá khu vực tâm linh di sản Trường Lệ và cụm di tích đền Độc Cước, Đền Cô Tiên, hòn Trống Mái… khu vực tâm linh và kể cả tham quan các di tích trong tỉnh. Cách đây hơn một trăm năm, người Pháp chọn Sầm Sơn để nghỉ dưỡng, hưởng thụ ẩm thực các chủng loại hải sản ở một vùng được gọi bậc nhất nhì của cả nước. Ngày nay xã hội phát triển và hội nhập quốc tế, văn hóa du lịch là hoạt động văn hóa nâng cao sức khỏe, cảm thụ giá trị chất lượng cuộc sống, giao lưu tình cảm xã hội. Qua đây hội tụ được nhiều bạn bè thân thiết, bắt tay nhau hứa hẹn hợp tác làm ăn, bắt đầu từ chuyến đi du lịch nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn. Vì vậy hằng năm đến hẹn “hè Sầm Sơn” du khách gần xa lại tụ về với mục đích “sức khỏe, kinh tế, bạn bè” đó là cái đích mà Sầm Sơn ngày đó đã hướng tới.

Trong cụm từ “bạn bè” là vấn đề mà anh Ngọ trăn trở tâm huyết nhất. Nghe ra cụm từ đó rất đơn giản nhưng thuộc tính bên trong thì hàm ý rất sâu sắc được thể hiện từ chuyển hóa nhận biết đến sự tự giác hành động của con người nên rất nhạy cảm kể cả cách hành xử giao tiếp giữa người với người trong cộng đồng. Thực tế ấy vẫn còn mặc cảm nếu ai đó là người Thanh Hóa đi xa xứ mới thấm thía câu nói truyền miệng “khó đồng cảm, khó gần, khó hợp tác vì ông ấy, anh ấy, cô ấy là người Thanh Hóa”, tuy là những cảm nghĩ của số ít người song cũng đã làm cho số đông người Thanh Hóa mủi lòng trăn trở. Đó là cảm nghĩ của một số người với cái chung của tỉnh. Còn ở Sầm Sơn, ông Ngọ muốn đưa ý tưởng thân thiện với bạn bè và thông qua chuyến tham quan, nghỉ dưỡng, người ta có thể hiểu và quý mến với người Thanh Hóa nhiều hơn, sâu sắc hơn. Hiểu đúng bản chất của người Thanh Hóa là dũng cảm trong chiến đấu, cần cù chịu khó trong sản xuất, sáng tạo trong lao động, thắm tình nặng nghĩa với gia đình, làng xóm quê hương, bầu bạn bốn phương để rồi chung tay hợp tác làm ăn, đôi bên cùng có lợi.

Với phương pháp nói bộ không văn bản, khẩu khí mạch lạc, kết nối vấn đề logic và giọng trầm ấm, khi bổng khi trầm, làm người nghe cuốn hút, ông Ngọ phân tích về mối quan hệ văn hóa xứ Thanh với văn hóa du lịch Sầm Sơn có sức thuyết phục lòng người. Theo ông, Văn hóa Du lịch Sầm Sơn không thể tách rời Văn hóa chung của tỉnh và cả nước, không có sự cát cứ, phân biệt, mà là sự vận động văn hóa thống nhất hữu cơ giữa các vùng miền. Thông qua sự kết nối quan hệ ứng xử giao tiếp của người với người mang tính truyền thống văn hóa, người ta thường gọi là thuần phong mỹ tục để du khách nhìn Sầm Sơn với ý nghĩa tích cực hơn, đẹp hơn, thân thiện, thanh lịch hơn. Vì vậy để xóa dư âm mặc cảm không đẹp về vệ sinh môi trường, dịch vụ mua bán nhất là giá cả nhà nghỉ, ăn, ở, giao tiếp, chào hỏi đón đưa khách, công tác lữ hành tham quan, tất cả những vấn đề đó đòi hỏi đô thị Sầm Sơn phải thật sự làm tốt hơn nữa với phương châm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”…

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nghe đồng chí Lê Huy Ngọ báo cáo về tình hình phát triển của đô thị Sầm Sơn

Du khách đến Sầm Sơn là đến với biển mát trong lành, đến với thức ăn ngon, sạch đẹp, đến với nụ cười thân thiện và có cả sự sẻ chia đồng cảm, như vậy sẽ có nhiều bạn bè, có nhiều người đến nghỉ mát, năm sau nhiều hơn năm trước. Qua đó mà dần dần đẩy lui tính mặc cảm không hay không đẹp, không thân thiện của khách khi đến với Sầm Sơn. Trong lúc tỉnh nhà còn khó khăn, Sầm Sơn còn nghèo, nhiều việc phải làm như cơ sở hạ tầng, đường sá, khu văn hóa vui chơi, giải trí còn chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của du khách thì việc khuyến khích xã hội hóa, đầu tư của nhà nước và tư nhân trong tỉnh, trong nước phải được quan tâm hơn với phương châm “trong thông ngoài thoáng” theo một cơ chế chính sách mở để thu hút nguồn vốn đầu tư từ phía ngoài.

Trong những lần trao đổi với cán bộ trong tỉnh, ông Ngọ cho rằng: không đơn giản mà có được tình bạn, phải đến với nhau một cách chân thực và cũng phải có điều kiện gặp gỡ tất nhiên hay ngẫu nhiên, nói một cách khác tình cờ hay thông tin lời hẹn trong một thời gian nào đó ví như hè ở Sầm Sơn chẳng hạn để rồi có bạn có cơ duyên làm nên sự nghiệp. “Bạn bè” là vậy, người Sầm Sơn rất muốn làm bạn với nhiều người khắp bốn phương kể cả người nước ngoài cùng chung lòng góp sức, nhiều ý tưởng hay, tham gia vào nhiều dự án về kinh tế xã hội có hiệu quả để nơi đây xứng tầm khu nghỉ mát du lịch trọng điểm của tỉnh và cả khu vực, quốc tế. Trong thực tế, “tình bạn” là thiêng liêng lắm và từ tình bạn mà nhiều người đã trở nên doanh nhân phát đạt vì có sự giúp đỡ vô tư trong sáng kể cả kế sách làm ăn cho đến tư duy về con đường sự nghiệp cá nhân lâu dài đôi bên. Thế nhưng không phải ai cũng gặp được tình bạn theo ý muốn mà thường thông qua thời cơ, có lẽ Sầm Sơn điểm hẹn cũng không phải là ngoại lệ. Đến với Sầm Sơn, ai đó có một chuyến đi mùa hè, mùa tắm mát vận may, duyên phận kể cả tình cảm hẹn hò gái trai “duyên kỳ ngộ” biết đâu đó là điềm lành cho một tương lai tình yêu đôi lứa. Nói về tình bạn Sầm Sơn điểm hẹn thì phong phú lắm, chả thế mà biết bao bài thơ, bài hát, bài văn, bức họa nói đến cái đẹp, cái hay, tình bạn, nảy sinh từ chuyến du ngoạn Sầm Sơn thơ mộng và kỳ thú đó thôi!

Sự giao hòa giữa sức khỏe, bạn bè, thiên nhiên cảnh vật cũng là sự truyền cảm kết nối cho sự thành đạt về kinh tế là hệ quả hành trình “Sầm Sơn, sức khỏe, bạn bè” mà hơn 3 thập kỷ đã mang lại. Phát triển văn hóa du lịch suy cho đến cùng là nhằm phát triển đời sống kinh tế kể cả về chất lượng và số lượng hiệu quả cho nhân dân Sầm Sơn. Song không thể tách rời đối lập hoàn toàn giữa kinh tế với văn hóa du lịch “sức khỏe, bạn bè” tất cả đó cũng nhằm nâng cao đời sống kinh tế và có kinh tế thì đời sống sức khỏe, đời sống tinh thần mới được nâng lên từ những đối tác từ “bạn bè” khắp nơi cùng với địa phương hợp tác để tạo ra.

Trong những buổi trò chuyện ông Lê Huy Ngọ cho rằng: kinh tế Sầm Sơn thực chất là tổng thể của nhiều ngành nghề tạo thành, gồm đánh bắt hải sản và sản xuất chế biến, cung cấp thực phẩm tươi sống, rau quả cho thị trường, nhà hàng khách sạn,… dịch vụ thương mại phục vụ du khách. Mặt khác, Sầm Sơn có nguồn sinh thái biển vào bậc nhất của cả nước, bãi cát trắng mịn thoai thoải rất hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước vì thế mà năm nào cũng có nhiều người đến, nguồn thu từ tắm biển, nghỉ dưỡng…

Khi nói về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, ông Lê Huy Ngọ phân tích: Kinh tế Sầm Sơn phát triển là văn hóa cũng phát triển và văn hóa phát triển sẽ tạo đà cho kinh tế phát triển. Đúng vậy, sau một thời gian không dài địa phương đã quy hoạch lại đô thị, văn hóa mới tác động trực tiếp vào Sầm Sơn, cơ cấu kinh tế cũng có thay đổi, đời sống của nhân dân được nâng lên từng bước kể cả vật chất và tinh thần, lòng tự tôn, hành động đẹp về văn hóa ứng xử của người dân nơi đây có nhiều đổi mới, tính thanh lịch tốt đẹp hơn nhiều so với trước, những vấn đề như “nâng giá, chém chặt, vệ sinh môi trường bẩn,…” dần dần được khắc phục, những mặc cảm của du khách đối với Sầm Sơn từng bước giảm đi rõ rệt. Gần đây, những công trình xây dựng hạ tầng được đầu tư khá lớn kể cả tư nhân và nhà nước, làm cho diện mạo Sầm Sơn ngày càng có sức hấp dẫn cao và đang trên đà tăng trưởng. Sau một thời gian đổi mới về cách nghĩ, cách làm, Sầm Sơn đã chỉ đạo có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực cả về kinh tế, văn hóa và phát triển du lịch.

Trong buổi họp tổng kết bàn về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thành công triển khai “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè”, ông Lê Huy Ngọ nhấn mạnh hai vấn đề:

“Một là, có sự đồng thuận cao giữa cán bộ và nhân dân trong việc tổ chức, triển khai chủ trương của tỉnh đổi mới nội dung và hình thức hoạt động khu nghỉ dưỡng văn hóa du lịch Sầm Sơn, một biện pháp cực kỳ quan trọng là tổ chức và điều hành, làm sao cho có hiệu quả cao là một vấn đề mà tỉnh quan tâm nhất. Bởi thế tỉnh đã phân công các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt về Sầm Sơn trực tiếp chỉ đạo, họp dân, thống nhất biện pháp cách làm, thời gian thực hiện từng việc cụ thể để kịp khai trương hè Sầm Sơn đúng kế hoạch.

“Hai là, thực hiện cơ chế mở trong thông, ngoài thoáng, đây là việc làm có ý nghĩa then chốt để khách đến với Sầm Sơn ngày càng đông hơn, qua đó thu hút đối tác đầu tư liên kết liên doanh về kinh tế văn hóa xã hội với Sầm Sơn và tỉnh. Vì vậy rất cần có sự đồng thuận, sẻ chia, đoàn kết hợp tác của cán bộ, nhân dân các cấp, các ngành trong tỉnh và địa phương để mở cửa đón khách. Những rào cản như thu vé xe đầu vào, nâng giá, chụp ảnh, đưa khách tham quan, ăn, nghỉ, hàng lưu niệm,… đã được giải quyết cơ bản. Chính sách về thuế cũng được nới lỏng đối với cá nhân, tập thể mới vào đầu tư kinh doanh ở Sầm Sơn, có thông thì mới có thoáng là vậy! Với tinh thần rất khẩn trương trong một thời gian ngắn, tuyến đường Sầm Sơn – Thành phố Thanh Hóa, được mở rộng, rút ngắn được thời gian đi lại, hạn chế tai nạn giao thông, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương lên núi Trường Lệ,… Tổ chức thành công Hội chợ Sầm Sơn, nhằm tạo điều kiện kết nối cá nhân, tập thể giữa người sản xuất với người tiêu dùng, giữa người sản xuất với nhau từ các vùng miền trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia, để có cơ duyên liên doanh liên kết làm ăn. Và sự thật đã thu hút được nhiều đối tác của tỉnh ta với tỉnh bạn, nhiều hợp đồng đã được ký kết trong đó có hằng chục hợp đồng của nước ngoài. Với tổng số 350 gian hàng với hằng trăm mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ đã thu hút hằng vạn người đến mua sắm giao lưu tạo nên niềm tin vui phấn chấn trong nhân dân địa phương và du khách…

Và khối dịch vụ ở Sầm Sơn, cũng chi trong thời gian ngắn, dân tự nguyện, cán bộ nhiệt tình vào cuộc nên những nhà hàng, ki ốt xây dựng không phép được tháo dỡ, bước đầu làm bộ mặt đô thị nghỉ dưỡng đẹp, qui củ hơn. Với định hướng nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo cho Sầm Sơn một không gian nghỉ dưỡng bề thế, khác xa với trước đó. Trật tự đô thị, an ninh, an toàn được quan tâm hơn. Nhiều nhà nghỉ nhỏ lẻ của dân cũng như của nhà nước đều có thông báo niêm yết nội quy an ninh, giá cả cụ thể được du khách hoan nghênh. Nhiều nhà hàng ăn ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,… lần lượt vào Sầm Sơn tìm cơ hội kinh doanh. Do cách giải quyết tổ chức điều hành thấu tình đạt lý, thông qua cơ chế chính sách mở của tỉnh mà đô thị Sầm Sơn sầm uất hơn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đời sống kinh tế, văn hóa của dân cũng được nâng lên một bước, doanh số và thu ngân sách cũng tăng cao. Mùa hè Sầm Sơn 1989 đã có hơn 95.000 lượt khách đến nghỉ, doanh thu 5,5 tỷ đồng chiếm 2/3 tổng thu cả năm. Điều đáng nói ở đây là đã mở đầu cho một tư duy mới, cách làm mới phong phú, đa dạng và hiệu quả cao tạo đà cho những năm tiếp theo thu hút khách nhiều hơn đến với Sầm Sơn.

Tuy nhiên, Sầm Sơn còn phải học hỏi kinh nghiệm của các điểm du lịch trong nước như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang Khánh Hòa, Vũng Tàu,… và các nước trong khu vực để Sầm Sơn thực sự là điểm đến hấp dẫn. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn Trường Lệ, di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên,… công tác lữ hành, mang tour đến các di sản lớn như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, Hàm Rồng, suối cá Cẩm Lương, Bến En,… phải được quy hoạch, kế hoạch, tổ chức điều hành hướng dẫn viên cần phải chuyên nghiệp, phải được coi trọng, đổi mới nhiều hơn nữa. Thực ra chuyên ngành du lịch Thanh Hóa ở những thập niên 80, 90 thế kỷ trước còn sơ khai mặc dù tiềm năng du lịch ở Thanh Hóa là rất lớn kể cả du lịch tâm linh sinh thái núi, rừng, biển cho đến các cụm di tích trọng điểm về lịch sử, về cách mạng cận đại nhưng chưa được khai thác đúng tầm. Do vậy trước mắt Sầm Sơn rất cần một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, được huấn luyện có bài bản kể cả ngoại ngữ như Tiếng Anh, Trung, Nga, Pháp,…

Ba mươi năm đã qua, nhìn lại Sầm Sơn ngày nay đã đổi thay khá nhiều từ diện mạo cảnh quan cho đến phong cách sống của con người nơi đây, thật sự đáng trân trọng, đời sống nhân dân được cải thiện, bạn bè gần xa yêu quý, hợp tác làm ăn ngày một phát triển.

Khu nghỉ dưỡng văn hóa FLC cũng là nơi hội tụ nhiều du khách, góp phần quan trọng cho hoạt động du lịch Sầm Sơn và đang có sức lan tỏa, đã góp phần tạo nên cảnh quan đô thị du lịch Sầm Sơn ngày càng có sức hấp dẫn. Nhiều khu văn hóa, sân golf, vui chơi giải trí, dịch vụ có chất lượng đã và đang thu hút nhiều du khách đến với Sầm Sơn. Đến nay thành phố Sầm Sơn có 390 cơ sở lưu trú, hơn 15.000 phòng, có 80 khách sạn 1 đến 5 sao, có 191 nhà nghỉ du lịch với 4.900 phòng, gần 5 triệu lượt người đến Sầm Sơn, một con số đáng mừng…

Trong những lần trò chuyện với chúng tôi, ông Ngọ còn nhiều trăn trở về quê hương ông, những trăn trở đó chúng tôi nôm na diễn lại là: “Thanh Hóa cần công nghiệp hóa, dân chủ hóa, dùng người cho khá”…để xứ Thanh thật sự trở thành kiểu mẫu như lời Bác Hồ lúc sinh thời đã nói…

Là một người làm văn hóa, văn nghệ, một nhà báo, có một thời gần gũi và làm việc với anh Lê Huy Ngọ, tôi cảm nhận được ở anh một con người rất tâm huyết với quê hương trong đó có nhiều ý tưởng hay về văn hóa “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè” là một ví dụ mà cho đến hôm nay vẫn còn ý nghĩa sâu sắc mỗi khi nói đến văn hóa du lịch xứ Thanh. Gặp lại anh ở Hà Nội, tuy tuổi đã vượt qua “lục thập hoa giáp” hơn 20 năm nhưng anh vẫn mạnh khỏe vui tươi, giọng nói vẫn trầm ấm, thân thương, khi nhắc lại những kỷ niệm đẹp lúc còn công tác ở quê nhà.

Hoàng Hoa Mai (Nguyên Giám đốc Sở VHTT Thanh Hóa)

Nguồn. Báo Du lịch

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè” Mở đầu cho du lịch biển Sầm Sơn từ thế kỷ trước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác