Sách Tiếng Việt lớp 1 mới khiến phụ huynh “dậy sóng” vì cho rằng ngữ liệu trong sách có phần chưa phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên cho rằng hiện có nhiều thông tin sai lệch khi phê phán sách.
Sách lớp 1 mới chỉ vừa triển khai được một tháng nhưng không chỉ khiến phụ huynh “dậy sóng” vì cho rằng chương trình nặng mà còn vì ngữ liệu được sử dụng trong các sách bị đánh giá chưa phù hợp với học sinh lớp 1.
Ngôn từ ngô nghê, nghĩa thiếu chuẩn?
Chương trình tiếng Việt lớp 1 năm nay khá nặng trong khi con không học trước nên tối nào chị Thúy Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải ngồi cạnh để kèm con học. “Càng học cùng con càng bức xúc không chỉ vì chương trình nặng mà còn vì nội dung sách không phù hợp”, chị Thúy Anh chia sẻ.
Chị lấy ví dụ cụ thể, trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều: “Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sâm cầm. Bé chỉ: Cò… cò… Ti vi có cá mập. Bé la: Sợ. Má bé bé, vỗ về: Cá mập ở ti vi mà. Má ấm quá, bé chả sợ nữa.” “Có thể do số chữ, vần trẻ học đến bài này còn hạn chế nên tác giả bị ‘bí từ’ nhưng việc đưa vào một đoạn ngô nghê, khó hiểu, như cách một em bé mới tập nói như vậy thể hiện sự dễ dãi, thiếu sáng tạo và đầu tư công sức của các tác giả với chính sản phẩm của mình, trong khi lớp 1 lại cần ngôn từ trong sáng, rõ nghĩa”, chị Thúy Anh bày tỏ.
Cũng theo chị Thúy Anh, vì khiên cưỡng nên các tác giả thậm chí còn dùng từ sai nghĩa trong bài học. Ở bài 31, phần tập đọc, bài “Thỏ thua rùa”: “Bữa đó, thỏ ra bờ hồ. Xa xa có chú rùa. Thỏ đùa, rủ rùa thi đi bộ. Rùa chả sợ: ‘Thi thì thi’. Thỏ nghĩ: ‘Cứ để rùa bò. Ta phi như gió. Sợ gì!” Có thể vì học sinh chưa học đến vần ay và âm ch nên các tác giả sách đã thay từ ‘chạy’ theo đúng nguyên bản truyện bằng từ… ‘đi bộ’. Tuy nhiên, sự khiên cưỡng này đã khiến cho học sinh bị nhầm lẫn về mặc khái niệm giữa đi bộ và chạy khi thỏ thi đi bộ nhưng lại “phi như gió”.
Một bài học khác của sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cũng khiến rất nhiều phụ huynh bức xúc là phần tập đọc “Hai con ngựa” trang 157: “Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc: Chị làm hùng hục như thế để làm gì? Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng. Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn. Ngựa ô lẩm bẩm: Có lý lắm”.
Theo các phụ huynh, học sinh lớp 1 như tờ giấy trắng còn đoạn truyện này lại vẽ lên tờ giấy bài học của sự lười biếng, trốn việc.
Sách Tiếng Việt 1 của bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cũng bị phụ huynh “nhặt sạn” khi so sánh hạt bàng giống hạt lạc rang. “Hai loại hạt không có một điểm nào giống nhau, từ hình dáng đến màu sắc. Cách viết như vậy cung cấp kiến thức sai cho học sinh. Chắc tác giả viết sách và hội đồng thẩm định chưa bao giờ nhìn thấy hạt bàng”, một phụ huynh hài hước chia sẻ.
Cần công tâm khi ‘nhặt sạn’
Là một giáo viên dạy lớp 1 lâu năm và đã nghiên cứu rất kỹ ba bộ sách, cô Trần Lan Hương, một giáo viên tại Hà Nội cho hay, đúng là sách lớp 1 năm nay có nặng và có một số ngữ liệu chưa thật chuẩn. “Tuy nhiên, nhặt sạn cũng cần công tâm vì hiện nay, có nhiều thông tin sai lệch hoặc thiếu đầy đủ khi phê phán sách”, cô Hương chia sẻ.
Ngoài ra, thông tin sai lệch như việc đưa ra bài học về “bốn cái làn” đã được Hội đồng thẩm định sách lên tiếng phủ nhận không phải là bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 của bất kỳ bộ nào trong 5 bộ sách được phê duyệt. Bên cạnh đó, theo cô Hương, có nhiều nội dung người lớn đã cố tình đưa tư duy của mình vào để hiểu lệch vấn đề.
Lấy ví dụ về việc phụ huynh chưa tìm hiểu đầy đủ nội dung đã phê phán, cô Hương cho hay, phần kể chuyện “Bài học đầu tiên của thỏ con” trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, nếu phụ huynh chỉ nhìn tranh vẽ sẽ nghĩ tác giả bị nhầm lẫn, sai nghĩa.
Nếu chỉ nhìn tranh, phụ huynh sẽ nghĩ tác giả dạy học sinh nói ngược, nói cảm ơn khi phạm lỗi và nói xin lỗi khi đáng ra phải nói cảm ơn. Tuy nhiên, đây là tranh minh họa cho truyện về việc thỏ con nhầm lẫn trong cách dùng câu xin lỗi, cảm ơn chưa đúng tình huống. “Truyện có cả video minh họa và khi học trên lớp, học sinh sẽ được nghe đầy đủ cả truyện chứ không chỉ nhìn tranh. Đây là truyện khá phổ biến nên phụ huynh có thể tìm thấy trên YouTube”, cô Hương phân tích.
Nói về phần nội dung gây tranh cãi nhiều nhất là bài đọc “Hai con ngựa” của bộ Cánh Diều, cô Hương cho rằng ở đây, tác giả sách đã tách truyện thành hai phần. Phần 1 ở bài trước, trang 157 và phần hai là phần còn lại của câu chuyện ở trang 159. Học sinh sẽ được giáo viên dạy cả hai phần để thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
“Tuy nhiên, đúng là với học sinh lớp 1 chỉ mới 6, 7 tuổi, mỗi bài học nên là một nội dung hoàn chỉnh thay vì vắt bài vì các em còn quá nhỏ để có thể kết nối như vậy. Chưa kể, nếu học sinh ốm nghỉ buổi học sau thì sẽ hiểu hoàn toàn sai nội dung bài học”, cô Hương chia sẻ.
Trước nhiều ý kiến về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.
Theo đó, Bộ này đã có công văn yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 việc rà soát, báo cáo về nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về Bộ trước ngày 17/10.
Báo điện tử VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc này./.
Phạm Mai (Vietnam+)