Print Thứ sáu, 16/10/2020 09:11 Gốc

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên cùng với các tác giả Hoàng Hòa Bình, Nguyễn Thị Ly Kha, Lê Hữu Tỉnh biên soạn. Nội dung gồm ba phần: Học chữ cái, vần và luyện tập tổng hợp. Mỗi bài học 2 chữ cái hoặc 2 vần để phù hợp với mọi đối tượng học sinh; việc học mỗi chữ, mỗi vần đều bắt đầu từ một từ khóa chỉ những sự vật quen thuộc trong đời sống. Tuy nhiên, chưa kịp “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống” thì bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã làm dư luận dậy sóng.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày 13/10, cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu vấn đề cử tri nêu về bộ SGK mới, sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Như vậy sự việc không còn đơn thuần là những chỉ trích trên mạng xã hội hay gói gọn ở vài bài báo.

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều

Khá nhiều người bất ngờ, bộ sách Cánh Diều chỉ là một trong 5 bộ SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định và đã giới thiệu đến với các tỉnh, thành trong cả nước. Điều gì khiến cho bộ sách đang được 20 sở GD&ĐT với số lượng khoảng 3 triệu bản sách bị dư luận lên tiếng gay gắt?

Để dạy chữ cho trẻ em lớp 1, có khá nhiều phương pháp khác nhau và các nhà viết sách hoàn toàn có thể lựa chọn 1 hướng đi riêng cho mình. Nhiều nhà giáo, những người đã nhiều năm giảng dạy cho rằng, không chỉ tại Việt Nam, mà bất cứ quốc gia nào, năm học lớp 1 chỉ cần trang bị cho các con 3 yêu cầu: Làm quen mặt các chữ cái, đánh vần và tập viết cho đúng; nhận biết tên các đồ vật quen thuộc trong gia đình, các con vật thân thuộc và các loài hoa quả trong đời sống hàng ngày; học cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô và bạn bè… Khi biên soạn sách giáo khoa, hãy lấy “học trò làm trung tâm” đưa vào chương trình tư duy, cách hiểu của các con, chứ không áp đặt sự hiểu biết của các GS.TS, của người lớn. Phải tôn trọng những cái gì các con tai nghe, mắt thấy, nghĩa là con quạ thì phải kêu: “quạ quạ”, chứ không thể “quà, quà” như trong sách.

Không nói đến phần học thuật thì SGK Tiếng Việt 1 tập 1 Cánh Diều còn những hạn chế rất đáng nói. Nhiều đoạn văn, câu văn chưa được hay, đưa vào sách rất ít thơ (chỉ có 2 bài), những câu ca dao, đồng dao của Việt Nam đã đi vào tiềm thức của con trẻ. Sách có quá nhiều ngụ ngôn về loài vật, điều này mới nhìn thì có vẻ thú vị nhưng nhiều sẽ loạn và khi đó không cân đối các thể loại văn bản: Thơ, truyện, văn bản thông tin, văn bản khoa học (thường thức, ngắn gọn thôi), giao tiếp hằng ngày và không đa dạng hóa được các đề tài, chủ đề…

Sự việc lại càng bị đẩy lên khi Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 Mai Ngọc Chừ cho biết, hội đồng đã đưa ra khuyến nghị nhóm tác giả sửa chữa. Và do đó chỉ là nội dung “khuyến nghị” chứ không phải nội dung bắt buộc yêu cầu sửa nên nhóm tác giả “Cánh Diều” đã không sửa.

Đến lúc này người ta mới sực tỉnh, để bộ sách lớp 1 gặp phải những phản ứng của dư luận như vậy lỗi không chỉ của nhóm tác giả biên soạn, các NXB, hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1, mà Bộ GD&ĐT không thể phủi trách nhiệm. Không thể không kiểm soát chặt chẽ việc ban soạn thảo “đưa” và “mang” một cách tùy tiện nội dung vào các trang sách giáo khoa.

NGUYỄN AN THANH

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Sách giáo khoa Tiếng Việt 1: Mang và đưa cái gì?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác