Rút kinh nghiệm công tác tổ chức hội thi giáo viên giỏi tại Hải Phòng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Phùng Xuân Nhạ, ngày 14-1, Tổ công tác của Bộ GD- ĐT tiến hành rà soát, kiểm tra tại Sở GD- ĐT và một số trường học tại Hải Phòng chung quanh thông tin nhiều phụ huynh phản ánh việc một số trường học của Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu nghỉ học để thi giáo viên giỏi.  

Tiết thi thực hành tại Hội thi Giáo viên giỏi cấp tiểu học thành phố năm học 2018- 2019 tại điểm thi Trường tiểu học Chu Văn An.

Trước đó, ngày 11-1, một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) phản ánh: Ngày 8- 1, nhà trường gửi tin nhắn điện tử về các gia đình với nội dung “Từ thứ 4 (9- 1) đến thứ 6 (11- 1), Sở GD- ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học”. Sau khi nhận được tin nhắn này, nhiều phụ huynh kiến nghị về cách tổ chức phần thi thực hành trong hội thi Giáo viên giỏi cấp tiểu học thành phố năm học 2018- 2019; cho rằng ngành GD- ĐT nặng về thành tích khi chỉ cho học sinh khá, giỏi, ngoan ngoãn tham gia hội thi; học sinh có học lực yếu, kém phải ở nhà.

Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Xuân Trường khẳng định: hội thi Giáo viên giỏi cấp tiểu học thành phố mang tính chất là đợt sinh hoạt chuyên môn để nâng cao năng lực nhà giáo,  chứ không phải thông qua hội thi để cấp bằng hay trao phần thưởng. Bởi vậy, ngành GD- ĐT thành phố không áp đặt thành tích trong hội thi. Khi tổ chức hội thi, Sở GD- ĐT không chỉ đạo các trường lấy bao nhiêu học sinh mỗi lớp để thực hiện phần thi. Việc sắp xếp số lượng học sinh phù hợp với điều kiện phòng học và bài giảng giáo viên thiết kế do các trường chủ động. Không có việc chỉ cho học sinh khá, giỏi tham gia hội thi; còn học sinh yếu, kém ở nhà. Để khách quan, các trường lấy ngẫu nhiên học sinh để tham gia hội thi. Qua kiểm tra thực tế tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong cho thấy, tin nhắn nhà trường gửi tới phụ huynh không đề cập việc học sinh yếu, kém nghỉ học; hay chỉ để học sinh khá, giỏi tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức hội thi, nếu còn khâu nào thực hiện chưa chuẩn, các trường cần rút kinh nghiệm trong các hội thi sau.

 

Ngày 14- 1, Tổ công tác của Bộ GD- ĐT tiến hành khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ liên quan và làm việc với một số trường học. Trên cơ sở đó, Tổ công tác cho rằng, thông tin “nhà trường cho học sinh yếu, kém nghỉ học ở nhà” không có căn cứ. Bởi việc đánh giá đối với học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay là không xếp loại học sinh. Mặt khác, qua kiểm tra hồ sơ của các em học sinh không học tại các tiết  hội thi, rất nhiều học sinh có điểm kiểm tra học kỳ 1 năm học 2018- 2019 môn Toán và Tiếng Việt rất tốt.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Tổ công tác cho biết, việc phụ huynh băn khoăn về số học sinh được lựa chọn tham gia hội thi và những em phải nghỉ học là có thật. Tổ công tác đánh giá, việc tổ chức hội thi có sự sắp xếp lại sĩ số học sinh tham gia tiết dạy thi thực hành là chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD- ĐT. Tổ công tác yêu cầu Ban tổ chức Hội thi giáo viên giỏi tại Hải Phòng chấn chỉnh và rút kinh nghiệm một số nội dung: Việc thông tin giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh học sinh chưa đầy đủ. Nội dung tin nhắn chưa thể hiện được hết nội dung cần truyền tải, dẫn đến việc phụ huynh có thể hiểu chưa đúng thông tin cần trao đổi. Việc chọn cách thông tin bằng tin nhắn đến phụ huynh học sinh cũng chưa phù hợp vì hiện nay còn nhiều người chưa sử dụng loại dịch vụ tin nhắn này nên không nắm được thông tin. Bên cạnh đó, với số lượng giáo viên tham gia dự hội thi có quy mô lớn như vậy, Ban tổ chức cần có phương án tổ chức phần thi thực hành linh hoạt và hợp lý; đáp ứng điều kiện thực tế tại các trường tiểu học trên địa bàn các cụm tổ chức thi.

 

Theo báo cáo của Sở GD- ĐT thành phố, hội thi giáo viên giỏi cấp tiểu học thành phố năm học 2018- 2019 gồm 2 phần thi là kiểm tra năng lực và thi thực hành. Phần thi thực hành gồm 2 tiết dạy tự chọn và bắt buộc; diễn ra từ ngày 9- 1 đến 11- 1 tại 5 cụm thi. Có 392/ 399 giáo viên tham gia nội dung thi này. Trường tiểu học Lê Hồng Phong và Trường tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) là 2 điểm thi thuộc cụm thi số 1.

 

Phương Linh – Báo Hải Phòng 17/01/2019

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More