Print Thứ Tư, 20/10/2021 09:20 Gốc

Trong khoảng hai tuần qua, giá rau xanh trên thị trường tăng rất mạnh, nhất là các loại rau có lá. Bên cạnh nguyên nhân mùa vụ, rau khan nguồn cung và tăng giá còn bởi đợt mưa kéo dài liên tục làm hư hại các vùng trồng.

Nguồn cung giảm mạnh do thời vụ

Nhìn lại diễn biến thị trường mấy năm gần đây, giá rau xanh tăng giảm thường phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ, nên yếu tố thời tiết chỉ mang tính cục bộ. Tuy nhiên đợt này thì khác, sau thời gian dài giảm lùi về vạch xuất phát, những ngày gần đây giá rau bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ và lũy tiến đến mức giá hiện nay.

Giá rau trong các siêu thị đang ở mức khá cao.

Tính trong hai tuần qua, giá rau xanh tăng bình quân gấp gần hai lần so với tháng trước. Cụ thể ở khu vực chợ truyền thống, một số loại phổ biến nhất có nguồn cung tại Hải Phòng như muống hiện là 15 nghìn đồng/bó, cải xanh-dền-ngót từ 10 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng/bó, ngải 10 nghìn đồng/bó…

Một số củ quả được nhập từ các địa phương khác cũng có giá rất cao, như bí đao 15 nghìn đồng/kg, khoai tây 18 nghìn đồng/kg, bắp cải 14 nghìn đồng/kg, đậu đũa 30 nghìn đồng/kg, đậu cô-ve 25 nghìn đồng/kg… Còn trong các siêu thị, giá rau cao hơn ngoài chợ truyền thống khoảng 30%.

Vấn đề ở chỗ, giá tăng cao luôn đi đôi với nguồn cung hạn chế, những ngày gần đây tại các chợ đầu mối ở đầu cầu An Dương, chợ Đôn, chợ cầu Rào… các loại rau đều được mua vét hết từ rất sớm. Giải thích về hiện tượng này, bà Đào Thị Mịn, một tiểu thương chuyên buôn bán rau cho biết, hiện nguồn cung tại chỗ của Hải Phòng đang giảm mạnh chủ yếu do đáo vụ, các diện tích đất đang dược cải tạo để chuẩn bị trồng cây vụ đông.

Trong khi đó loại rau muống có sản lượng cao và chi phối đáng kể thị trường rau có lá thì cũng đã cơ bản hết mùa, phần còn lại tăng trưởng rất chậm và kém chất lượng.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng làm thay đổi kết cấu sản lượng, chẳng hạn các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nhiều diện tích trồng rau đã được chuyển sang trồng cây quả xuất khẩu, ở huyện An Dương thì từ lâu đã chuyển sang trồng cây cảnh, nên diện tích rau xanh cơ bản còn lại khá ít.

Ở các huyện khác diện tích rau cũng không còn đại trà, chẳng hạn ở An Lão chỉ còn xã An Thọ, ở Kiến Thụy chỉ còn các xã Thụy Hương và Tú Sơn là có diện tích rau đáng kể, nhưng chủ yếu cũng là rau có lá.

Theo bà Liễu, một nông dân ở xã An Thọ, hiện tại bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa, các diện tích đất cải tạo trồng rau vụ đông cũng phải hàng tháng nữa mới bắt đầu vào vụ sản xuất mới. Kể cả những diện tích đã trông cũng phải mất một thời gian nhất định mới có sản phẩm tham gia thị trường.

Đợt mưa kéo dài đã khiến nhiều diện tích trồng rau bị hư hại nặng.

Ảnh hưởng nặng nề từ thời tiết

So với mọi năm, thời tiết năm nay khác biệt rất rõ, mùa hè vừa qua mưa rất ít, ngay cả tháng Ngâu mưa cũng chỉ rả rích vài ngày. Nhưng bước sang tháng 10, dù đã cuối mùa thu nhưng Hải Phòng mưa rất nhiều, kéo dài liên tục bởi ảnh hưởng của các cơn bão số 6, số 7 và số 8.

Điều này ảnh hưởng nặng nề đến các vùng trồng màu, bởi đặc thù các loại rau đều không chịu được úng nước, nên đợt mưa này đã gây tổn thất rất lớn về sản lượng.

Ngoài nguồn cung tại chỗ đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu, phần còn lại lâu nay Hải Phòng phải nhập từ nguồn ngoài, nhất là các tỉnh Hải Dương và Thái Bình, thì các vùng lân cận này cũng bị ảnh hưởng như Hải Phòng.

Hơn nữa, thời tiết có mưa nhiều khiến người dân gặp khó kể cả cải tạo đất, chăm sóc cây và tái tạo giống. Các nguồn cung khác từ các tỉnh phía Nam và từ Trung Quốc hiện cũng vẫn bị ảnh hưởng lưu thông, do dịch bệnh Covid-19.

Rau xanh khan hiếm và giữ giá cao đã gây ra không ít hệ lụy buồn sinh hoạt cộng đồng. Vì trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày, chi phí rau xanh vốn dĩ chiếm tỷ lệ nhỏ, thì nay đã phải thay đổi, đương nhiên thu nhập đã hạn chế vì dịch bệnh Covid-19, nay chi phí rau tăng thì những phần dinh dưỡng khác phải bị giảm.

Ngay tại các cửa hàng ăn bình dân mới được mở bán trở lại, mỗi suất ăn dành cho người lao động bình quân hiện là 20 nghìn đồng, riêng cơm và rau đã chiếm mất 50%. Mới thấy, mặt hàng rau xanh tưởng như đơn giản, lại đang tác động lớn đến cuộc sống người dân, đặc biệt là người nghèo.

Theo dự báo của một số tiểu thương, thì từ thời điểm này trở đi nhu cầu sử dụng rau xanh sẽ gia tăng, vì hệ thống dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố đang trở lại hoạt động bình thường.

Như đã nói ở trên, việc đầu tư tái tạo nguồn cung có cố gắng thì theo chu kỳ sinh trưởng, phải mất một thời gian nữa mới được phục hồi. Nghĩa là trước mắt chưa có giải pháp hữu hiệu cho việc giảm giá rau xanh, trong khi thời tiết năm nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường.

Từ diễn biến của thị trường cho thấy, sự vận động cung cầu trong thị trường đối với nguồn rau xanh chưa thực sự được coi trọng, nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng, cơ cấu canh tác và các kênh lưu thông.

Điều này phải được điều chỉnh ở tầm quy hoạch vĩ mô, chứ không thể để các hộ nông dân cá thể “tự bơi” bởi tính đặc thù của rau xanh là sinh trưởng nhanh, tuổi thọ kém và bảo quản khó.

Nếu công tác này không được quan tâm thiết thực, thị trường rau xanh sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng mất cân đối, lúc lại bị tồn ứ, khi thì nguồn cung khan và giá tăng cao ngất ngưởng như hiện nay.

Lê Minh Thắng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Rau xanh tăng giá vì tác động kép
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác