Sau hơn một tháng kể từ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường thực phẩm tươi sống không có nhiều biến động, kể cả những ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên trong một tuần trở lại đây, giá rau xanh bất ngờ bị đẩy lên cao và hiện đang giữ mức đỉnh nhất tính trong vòng hai năm qua.
Rau xanh có lá đang có giá rất cao
Nguồn cung bị giảm mạnh
Nhìn lại diễn biến thị trường mấy năm gần đây, giá rau xanh tăng giảm thường phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ, nên yếu tố thời tiết chỉ mang tính cục bộ. Tuy nhiên đợt này thì khác, sau một số thời điểm trong tết tăng cục bộ, giá rau đã giảm lùi về vạch xuất phát, nhưng bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ và lũy tiến đến mức giá hiện nay.
Tính trong hai tuần đầu tiên của tháng Hai âm lịch, giá rau xanh tăng bình quân 30%/tuần, và tới thời điểm này giá rau gấp gần hai lần. Cụ thể, một số loại phổ biến nhất có nguồn cung tại Hải Phòng như muống hiện là 15 nghìn đồng/bó, cải xanh-dền-ngót từ 10 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng/bó, ngải 10 nghìn đồng/bó… một số củ quả được nhập từ các địa phương khác cũng có giá rất cao, như bí đao 15 nghìn đồng/kg, khoai tây 16 nghìn đồng/kg, bắp cải 12 nghìn đồng/kg…
Vấn đề ở chỗ, giá tăng cao luôn đi đôi với nguồn cung hạn chế, những ngày gần đây tại các chợ đầu mối ở đầu cầu An Dương, chợ Đôn, chợ cầu Rào… các loại rau đều được mua vét hết từ rất sớm. Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thắng – một tiểu thương chuyên buôn bán rau cho biết, hiện nguồn cung tại chỗ của Hải Phòng đang giảm mạnh do một phần diện tích rau có lá đã chuyển sang trồng lúa, một phần không nhỏ khác đã chuyển đổi trồng cây màu có giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng làm thay đổi kết cấu sản lượng, chẳng hạn các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo được chuyển sang trồng nhiều cây quả xuất khẩu, nên rau xanh cơ bản còn lại khá ít. Cụ thể theo số liệu của ngành nông nghiệp thì trong vụ Xuân, trên tổng diện tích hơn 6.000 ha rau màu, diện tích dành cho cây rau các loại chỉ có 1.915%.
Trong khi nguồn hàng lân cận từ các tỉnh Hải Dương và Thái Bình ngoài nguyên nhân như Hải Phòng, gần đây cũng chuyển ngược hàng lên khu vực phía Bắc do hàng nhập từ Trung Quốc giảm mạnh. Mặt khác, thời tiết đang gió nồm mưa phùn, không những ảnh hưởng đến sinh trưởng của rau có là, mà còn gây khó khăn cho việc lưu thông. Một nguyên nhân nữa, là thời gian gần đây giá nhiên liệu tăng khá mạnh, cũng được coi là một yếu tố tác động tiêu cực vào giá rau.
Nhiều diện tích đất ở Hải Phòng đã chuyển đổi sang trồng cây màu xuất khẩu
Gặp khó vào thời điểm nhạy cảm
Theo bà Hạnh, một nông dân ở xã An Thọ (An Lão), hiện tại vụ lúa mùa đang sinh trưởng, nên cơ bản không thể tăng diện tích trồng rau mà chỉ có thể tái tạo trên diện tích cũ. Kể cả những diện tích được trồng lại cũng phải mất một thời gian nhất định mới có sản phẩm tham gia vào thị trường. Hơn thế, một số giống rau đã không còn thích hợp canh tác trong vụ Xuân.
Rau xanh khan hiếm và giữ giá cao đã làm khó cho những người thu nhập thấp. Vì trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày, chi phí rau xanh vốn dĩ chiếm tỷ lệ nhỏ, thì nay đã phải thay đổi, đương nhiên thu nhập không tăng, những phần dinh dưỡng khác phải bị giảm. Ngay tại các cửa hàng ăn bình dân, mỗi suất ăn dành cho người lao động bình quân hiện là 20 nghìn đồng, riêng cơm và rau đã chiếm mất 50%. Mới thấy, mặt hàng rau xanh tưởng như đơn giản, lại đang tác động lớn đến cuộc sống người dân, đặc biệt là người nghèo.
Theo những người có kinh nghiệm, thì từ thời điểm này trở đi nhu cầu sử dụng rau xanh sẽ gia tăng, điểm rơi sẽ là khi thời tiết chuyển sang mùa hè và mùa du lịch. Như đã nói ở trên, việc đầu tư tái tạo nguồn cung có cố gắng thì theo chu kỳ sinh trưởng, phải mất một thời gian nữa mới được phục hồi. Nghĩa là trước mắt chưa có giải pháp hữu hiệu cho việc giảm giá rau xanh, trong khi mùa mưa bão đã cận kề tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hơn nữa, thời điểm khai mùa du lịch đã chuẩn bị, năm nào cũng vậy, dù nguồn nguyên liệu nông nghiệp có dồi dào đến mấy, thì thị trường luôn bị biến động về số lượng và chất lượng, cùng với bất ổn về giá.
Từ diễn biến của thị trường cho thấy, sự vận động cung cầu trong thị trường đối với nguồn rau xanh chưa thực sự được coi trọng, nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng, cơ cấu canh tác và các kênh lưu thông. Điều này phải được điều chỉnh ở tầm quy hoạch vĩ mô, chứ không thể để các hộ nông dân cá thể “tự bơi” bởi tính đặc thù của rau xanh là sinh trưởng nhanh, tuổi thọ kém và bảo quản khó. Nếu công tác này không được quan tâm, thị trường rau xanh sẽ tiếp tục lâm vào tình trang mất cân đối, lúc lại bị tồn ứ, khi thì nguồn cung khan và giá tăng đột biến như hiện nay.
Lê Minh Thắng