Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới cũng như một số nước trong cùng khu vực với Việt Nam đang diễn biến căng thẳng. Nguy cơ đợt dịch thứ 4 luôn hiện hữu trên khắp cả nước. Các chuyên gia nhận định, trong dịp nghỉ lễ dài ngày sắp tới (30/4-1/5), nếu nơi nào tập trung đông người, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, người dân không thực hiện 5K… thì nơi đó nguy cơ lây lan dịch rất lớn.
Nguy cơ xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4 dịp nghỉ lễ
PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, mặc dù thời gian qua chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19, đời sống của người dân được trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhưng dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, vì nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam là rất cao, nhất là khi hiện nay một bộ phận người dân, cơ quan quản lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế). Nguy cơ này càng cao khi người dân tụ tập đông người ở các lễ hội, điểm du lịch trong kỳ nghỉ dài sắp tới.
Ông Trần Đắc Phu phân tích, chỉ trong mấy tuần gần đây, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Trong đó, Ấn Độ bùng phát dịch với số mắc và số ca tử vong cao, dịch khó kiểm soát. Một trong những nguyên nhân gây ra “làn sóng” tăng nhanh số ca mắc và tử vong ở Ấn Độ là do các cuộc tụ tập đông người và không sử dụng các biện pháp cá nhân để phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, trong đó lễ hội bên bờ sông Hằng là một ví dụ.
Tại Việt Nam, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày, nhiều lễ hội và địa điểm du lịch sẽ được tổ chức trên khắp cả nước. Người dân của nhiều tỉnh, thành phố cùng tụ tập về các điểm lễ hội, khu du lịch, nên nguy cơ lây bệnh rất lớn nếu có ca bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng khi nhiễm SARS-CoV-2 gần như rất khó phát hiện, cùng với việc “vô tư” giao lưu của người dân, cũng như sự kiểm soát lỏng lẻo tại các điểm lễ hội, khu du lịch sẽ khiến dịch lan rộng sang nhiều tỉnh, thành phố cùng lúc, chứ không còn là 1-2 tỉnh như các đợt dịch trước.
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cũng nhận định, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu trên khắp cả nước. Nơi nào có tập trung đông người, nơi nào lơ là trong giám sát, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch thì nơi đó nguy cơ dịch bệnh sẽ tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhiều lần nhấn mạnh, nguy cơ xuất hiện đợt dịch lần thứ 4 ở nước ta rất lớn và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Đặc biệt, nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ, hoặc biến chủng của Anh, của Nam Phi tại các quốc gia trong khu vực với nước ta có khả năng lây lan rất nhanh. Các biến chủng này nếu xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không thể biết được, thì việc lây nhiễm từ ổ dịch nhỏ đến ổ dịch lớn là không khó.
“Nếu chúng ta chủ quan, không may dịch bùng phát từ những địa điểm đông người, thì việc kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn. Bệnh sẽ lây lan tới nhiều đối tượng, trong đó có người mắc bệnh nền, người già, trẻ em… nguy cơ tử vong cao khó tránh khỏi. Hoặc nếu số mắc quá cao cùng một lúc, chúng ta cũng sẽ vất vả hơn rất nhiều trong dự phòng và điều trị”, PGS.TS. Trần Đắc Phu cảnh báo.
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, nhất là dịp nghỉ lễ sắp tới, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đó là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Cùng với đó, tất cả những ai thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ để chúng ta có thể kiểm soát tốt tình hình.
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Vì thế, để phòng, chống dịch, rất cần để cao trách nhiệm từ chính quyền, địa phương, khu quản lý các lễ hội, điểm du lịch, cho đến trách nhiệm của mỗi người dân.
Trong dịp nghỉ lễ tới sắp tới, các địa phương, khu quản lý lễ hội, điểm du lịch phải thực hiện nghiêm việc nhắc nhở, khuyến cáo người dân, đồng thời phải bố trí các địa điểm đảm bảo để người dân thực hiện 5K. Cơ quan, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện này, cũng như có biện pháp xử lý các vi phạm. Đặc biệt, nơi nào để xảy ra dịch, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm, ông Trần Đắc Phu nêu ý kiến.
Trách nhiệm này cũng được chỉ rõ tại Công điện số 541/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4. Công điện nêu rõ: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp: Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe…; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch; chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch.
Trường hợp phát hiện ca bệnh thì phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn… theo đúng quy định.
Hiền Minh