Print Thứ Ba, 30/08/2022 18:30 Gốc

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, do trùng vào kỳ nghỉ giao tuần nên đối với các cơ quan, đơn vị làm việc theo giờ hành chính sẽ có tới 4 ngày nghỉ liên tiếp. Đây là cơ hội tốt hứa hẹn kích cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm và các dạng hình dịch vụ liên quan khác.

Nói về đợt nghỉ này, ông Nguyên Minh Tuấn ở ngõ 215 Lạch Tray (quận Ngô Quyền) cho biết, lịch “sử dụng” 4 ngày nghỉ đã được gia đình ông lập trước hàng tuần. Cụ thể ngày 2/9 cả nhà sẽ đi mua sắm ở siêu thị, ngoài những thứ thuộc phạm vi sinh hoạt của gia đình, nhân thể mua vài thứ làm quả để chuẩn bị về quê.

Ngày nghỉ thứ hai (3/9), cả nhà về quê ngoại ăn tết “độc lập” vốn đã thành phong tục 77 năm qua của vùng quê Kiến Thụy giàu truyền thống cách mạng. Ngày tiếp theo dành cho quê nội, nhân thể ông Tuấn có buổi họp lớp với bạn học phổ thông.

Ngày nghỉ cuối cùng, cả nhà ông Tuấn sẽ đi dạo một số điểm vui chơi gần nội thành và ăn một bữa ở nhà hàng, ông Tuấn vui vẻ nói: “Biết là tốn kém, nhưng cũng vừa để cải thiện sau thời gian làm việc vất vả, vừa lấy tinh thần động viên các cháu trước khi vào năm học mới”.

Theo tính toán của ông Tuấn, dự trù chi phí cho kế hoạch này xem như ông “đi đứt” một tháng lương, nhưng “Các cụ bảo đốt pháo phải biết đúng lúc, giá trị mang lại mang ý nghĩa kết tụ gia đình lớn hơn nhiều, trừ khi mình không có điều kiện thì phải chịu thôi”, ông Tuấn khẳng định.

Không khí mua sắm tại các siêu thị trước kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Có thể thấy, nhờ những tác động tương tự nêu trên mà thị trường thành phố sẽ được phen sôi động, bởi lẽ lượng người và lượng tiền tham gia tiêu dùng tăng cao, khiến sức tiêu thụ hàng hóa tăng theo, kể cả tiềm ẩn những biến động về cung ứng và giá cả. Điều này hiển hiện khá rõ qua khảo sát thực tế thị trường thành phố những ngày này, khi nhiều nhóm mặt hàng đã bắt đầu tăng giá.

Tuy nhiên tình trạng trên chủ yếu xảy ra ở khu vực chợ truyền thống, còn các siêu thị vẫn khá ổn định nhờ thiết lập được hệ thống phân phối quản lý chặt từ nguồn cung đến giá cả. Chính vì vậy, giá bán các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm kể cả tươi sống lẫn chế biến công nghệ ở chợ truyền thống và các siêu thị khá tương đồng, thậm chí một số mặt hàng trong siêu thị được bán rẻ hơn nhờ khuyến mại.

Theo thông lệ hàng năm, dịp nghỉ Quốc khánh 2/9 là cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh. Chớp thời cơ, rất nhiều điểm kinh doanh mở chương trình khuyến mại, quảng bá sản phẩm rầm rộ, góp phần làm thị trường thêm sôi động. Trên đường Lạch Tray, dù bị cản trở bới khu vực này đang thi công cải tạo vỉa hè, nhưng quãng phố từ ngã tư Thành Đội đến ngã tư Quan Mau, đã có tới chục điểm bán thiết bị điện tử di động có hoạt động khuyến mại. Một số trung tâm chuyên dụng lớn còn mở các chương trình tưng bừng hút khách, có nhiều loại máy tính, điện thoại giảm giá nhắm tới các đối tượng học sinh, sinh viên.

Còn trên đường Nguyễn Đức Cảnh, nơi tập trung nhiều cửa hàng giày dép, quần áo, không khí tập nập rất rõ nét. Chị Nguyễn Kim Loan, một khách hàng chia sẻ: “Có mấy cửa hàng bán xả hàng mùa hè, em chọn mua cho cả nhà, mình ít tiền chỉ chờ cơ hội này thôi…”. Chị Loan khoe mấy sản phẩm mới chọn được, như áo sơ-mi ngắn tay niêm yết 369.000 đồng nhưng giảm chỉ còn 120.000 đồng/chiếc, quần Jean 350.000 đồng giảm còn 190.000 đồng/chiếc, giày da 550.000 đồng cũng chỉ được bán 350.000 đồng/đôi…

Nhưng khuyến mại được quảng bá bài bản và áp dụng trên nhiều sản phẩm nhất có lẽ chính là các trung tâm thương mại. Tại các siêu thị bách hóa như Go Hải Phòng, Co-opMart, MM Mega Market, Aeon Mall… đồng loạt áp dụng nhiều chương trình khuyến mại tích hợp như giảm giá, tặng quà, tích điểm thẻ thành viên…

Trong khi đó tại các trung tâm điện máy như Nguyễn Kim, MediaMart, CPN… nhiều sản phẩm khuyến mại được trưng ra tận sảnh. Mặc dù vậy, hầu hết các chương trình khuyến mại ở các trung tâm này đều theo mô-típ cũ nên cũng không tạo ra nhiều khác lạ.

Nhìn ra thị trường các chợ truyền thống, không khí chuẩn bị cho dịp nghỉ Quốc khánh cũng bắt đầu nhộn nhịp, hoa quả, thực phẩm tươi sống được tập kết khá nhiều. Theo ông Nguyễn Sỹ Sơn, tiểu thương kinh doanh thủy sản đầu mối chuyên bán giao cho các nhà hàng, thì hầu hết các nhà hàng nơi ông cung ứng đã nhập lượng thực phẩm lớn để cấp đông.

Còn ông Lê Hùng Quang, chủ một nhà hàng trên đường Lê Hồng Phong thì cho biết, hiện nhà hàng của ông đã có khách đặt kín bàn những ngày nghỉ, chủ yếu là sinh hoạt tập thể kiểu liên hoan, họp lớp, tụ hội các gia đình… Vì vậy phải chủ động nhập hàng cấp đông những loại thực phẩm cao cấp, “Các đơn hàng đã ấn định giá phục vụ, nếu để cận ngày, giá biến động tăng cao, hàng khan thì lợi nhuận sẽ giảm…”, ông Quang nói.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ ngành công thương có nhiều năm theo dõi hoạt động thương mại cho biết, ngoại trừ hai năm trước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, còn dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nào cũng vậy, thị trường đều khởi sắc tưng bừng.

Nhưng cũng theo kinh nghiệm của cán bộ này, thì ngoài thực phẩm, phần hàng hóa tiêu thụ tốt sẽ tập trung vào các đồ gia dụng nội trợ, quần áo, giày dép… có giá trị thấp. Bởi lẽ đây cũng là thời điểm năm học mới bắt đầu, một bộ phận lớn người dân phải để dành tiền lo các khoản đóng góp đầu năm học.

Lê Minh Thắng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Rạo rực thị trường dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác