Chính sách

Rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo: Triển khai đồng bộ, kịp thời, minh bạch

Hiện, các địa phương tập trung cao nhân lực, khẩn trương thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình năm 2024, phấn đấu hoàn thành trước ngày 7/11 (sớm hơn gần 1 tháng so với năm 2023). Qua đó, bổ sung thông tin hộ nghèo phát sinh, hộ gặp rủi ro đột xuất vào phần mềm quản lý của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Sở tham mưu UBND thành phố, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành các chính sách an sinh xã hội, hướng tới người yếu thế năm 2025.

Khẩn trương, cụ thể từ cơ sở

Ngày 15/10, UBND xã Tân Phong hoàn thành báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình năm 2024, gửi UBND huyện Kiến Thụy. Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Văn Nghị cho biết, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác ở cơ sở để tiến hành chấm điểm qua phiếu điều tra và đánh giá cụ thể từng tiêu chí thiếu hụt, thống kê danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức họp dân để bình xét và niêm yết công khai danh sách để người dân được biết. Hiện, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 2,06%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Tại UBND các quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Hải An, Đồ Sơn, các huyện An Dương, Thủy Nguyên…, công tác rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình cũng đang được thực hiện khẩn trương, gấp rút, phấn đấu hoàn thành trước ngày 7/11.

Đại diện chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức tham gia rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên.

Không ít trường hợp gặp khó khăn đột xuất mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời qua hoạt động thống kê, rà soát hằng năm của cán bộ địa phương. Anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Trại Dưới Ngói, xã Kênh Giang, huyện Thuỷ Nguyên cho biết: “2 vợ chồng tôi đều là người khuyết tật, vợ không có giấy tờ tuỳ thân, con tôi chưa có giấy khai sinh. Nhất là do ảnh hưởng của bão số 3, căn nhà ở của gia đình bị tốc mái hoàn toàn. Do đó, trước mắt, tôi mong được các tổ chức đoàn thể xã hội quan tâm, hỗ trợ gia đình sửa chữa nhà ở, sau đó là tư vấn, trợ giúp pháp lý để làm được giấy khai sinh cho con“…

Kịp thời tham mưu, xây dựng chính sách

Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố được quan tâm triển khai đồng bộ, kịp thời bằng nhiều giải pháp, đạt được kết quả nổi bật. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,78%, đạt 124% mức kế hoạch đề ra. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,32%, bằng 115% so với mức kế hoạch. Năm 2024, toàn thành phố phấn đấu không còn hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết số 09 mà Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Để duy trì kết quả đạt được trong Chương trình giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt mục tiêu đề ra và bảo đảm công tác rà soát đúng quy trình, công khai, minh bạch, trên phạm vi toàn thành phố, ngày 8/8, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 181 về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố năm 2024 theo chuẩn nghèo quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2022-2025. Triển khai kế hoạch, Sở Lao độngThương binh và Xã hội xây dựng, chuẩn bị phiếu rà soát, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ rà soát và tổ chức tập huấn tập trung đối với hơn 100 cán bộ, công chức là đầu mối tổng hợp, rà soát, thống kê, tham mưu về thực hiện chính sách giảm nghèo tại các địa phương.

Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Đồ Sơn Phan Thị Phượng thông tin, Phòng thu thập dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng dẫn xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 để làm căn cứ xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế…

Nhằm nâng cao tính chuẩn xác của hoạt động thống kê, tổng hợp, đánh giá, theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, tạo điều kiện, hỗ trợ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương. Trong đó, trường hợp địa phương có số hộ nghèo phát sinh do hậu quả của thiên tai, bão lũ… cần ghi rõ, chi tiết, cụ thể. Từ đó, Sở tham mưu UBND thành phố yêu cầu địa phương giải trình, báo cáo cụ thể nguyên nhân phát sinh hộ nghèo, hiệu quả từ những cơ chế, chính sách đang thực hiện, để có căn cứ xây dựng mới, đề xuất cơ chế đặc thù, trung và dài hạn, phù hợp điều kiện của từng địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, tránh tái nghèo bền vững.

Bài và ảnh: HUY ĐẠI

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More