Công nghệ

Rà soát, đánh giá tác động về việc tắt sóng mạng di động công nghệ cũ

Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, thuyết minh, đánh giá tác động về việc tắt sóng mạng di động công nghệ cũ, xác định rõ lộ trình phù hợp với phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ (tương thích công nghệ 5G) bảo đảm thuận lợi cho người dân sử dụng các dịch vụ số.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về đề nghị phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình rõ việc đề nghị thay đổi từ Đề án Chuyển đổi số quốc gia thành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; làm rõ sự khác biệt giữa Chương trình này với Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Bổ sung, làm rõ phương pháp xác định, đo lường các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế số, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và gắn kết trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình.

Bổ sung chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại (ứng dụng công nghệ sản xuất, nhà máy thông minh, thương mại điện tử,…), ưu tiên các lĩnh vực chuyển đổi số tác động trực tiếp tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: ô nhiễm môi trường, dự báo thiên tai, lao động, việc làm…; đồng thời, làm rõ các giải pháp bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân.

Lược bỏ các nhiệm vụ, đề án đã và đang triển khai, nghiên cứu bổ sung chức năng, nâng cao năng lực đối với các Trung tâm, đơn vị hiện có (như Trung tâm liên kết về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam,…) thay vì xây dựng mới Trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, điều chỉnh cấu trúc, bố cục, không đưa các nội dung mang tính lý luận (về bối cảnh, thách thức, cơ hội, phương pháp tiếp cận) trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Để bảo đảm kinh phí thực hiện, sự phù hợp của các nhiệm vụ với phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cần xác định rõ nguồn vốn (trong đó có nguồn vốn đầu tư phát triển); phân kỳ đầu tư; lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm trước khi triển khai diện rộng,…đề nghị lấy ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung này.

Lấy ý kiến của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội để hoàn thiện Chương trình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời gian trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2020.

Chí Kiên

Nguồn tin: Báo Chính phủ

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More