Print Thứ Năm, 15/10/2020 08:50 Gốc

(Tóm tắt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 15 do đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trình bày tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16).

PHẦN THỨ NHẤT: KIỂM ĐIỂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI 15 ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ (2015-2020)

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

A.VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG-AN NINH

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng cao, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 14,02%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 408.498 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2011-2015. Tổng chi ngân sách tăng cao, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 50.943 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, đạt 564.295 tỷ đồng, gấp 3 lần nhiệm kỳ trước, trong đó chủ yếu là vốn đầu tư ngoài nhà nước (chiếm tới 90%). Nguồn lực đầu tư được tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế trọng yếu theo đúng định hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, dịch vụ-du lịch đều có bước phát triển đột phá. Điển hình như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG có tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, Nhà máy sản xuất ô tô VinFast của Tập đoàn Vingroup có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hệ thống cáp treo Cát Hải-Cát Bà của Tập đoàn Sun Group…

Công tác quy hoạch được quản lý chặt chẽ, việc phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Khu vực trung tâm thành phố đã hình thành nhiều khu đô thị mới, hiện đại, phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng. Đã hoàn thành việc chỉnh trang toàn bộ dải trung tâm thành phố, mở rộng sông Tam Bạc, xây dựng, mở rộng một số công viên cây xanh, nhiều công trình phúc lợi công cộng. Chương trình xây dựng lại các chung cư cũ, việc cải tạo, nâng cấp hè đường, ngõ phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Không gian đô thị được mở rộng, phát triển về 3 hướng đột phá theo đúng quy hoạch, tạo cơ sở nền tảng để thành phố tiếp tục triển khai hoàn thiện trong giai đoạn 2020-2025.

Kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc. Tổng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này 5 năm qua đạt 43.886 tỷ đồng, đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng 46 cây cầu các loại, trong đó có nhiều cầu lớn, với tổng chiều dài 23km; hoàn thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại trong nội đô, làm thay đổi rõ nét hạ tầng giao thông thành phố.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới 5 năm qua đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010-2015. Hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng hoàn thành xây dựng hơn 5.000km đường thôn xóm, đường nội đồng. Đến năm 2019, 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản được tăng cường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong 5 năm qua, thu tiền sử dụng đất đạt 20.936 tỷ đồng, gấp 4,9 lần giai đoạn 2011-2015; thu hồi 10.488 ha đất phục vụ triển khai các công trình phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố. Đây là nhiệm kỳ thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư lớn nhất từ trước tới nay, và điều quan trọng là được nhân dân đồng thuận, cơ bản không phải cưỡng chế.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác giáo dục-đào tạo, được quan tâm và có nhiều chính sách mới. Thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp; chính sách khen thưởng đối với đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi, đoạt giải quốc gia, quốc tế. Tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục-đào tạo trong 5 năm qua là 22.123 tỷ đồng, gấp 5,6 lần giai đoạn trước. Chất lượng giáo dục được bảo đảm. Hải Phòng tiếp tục là một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế dẫn đầu cả nước.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư. Tổng mức đầu tư cho y tế trong 5 năm qua đạt 17.666 tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015. Các bệnh viện trọng điểm cấp thành phố và hệ thống bệnh viện các quận, huyện đều được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt, năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Hải Phòng thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống hiệu quả cao dịch COVID-19, vừa duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao được đầu tư tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Thành phố đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử vốn là niềm tự hào của người dân Hải Phòng. Thực hiện việc quy hoạch, xây dựng, nâng cấp nhiều khu di tích lịch sử văn hóa, trở thành nguồn lực tinh thần nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Thành phố triển khai chủ trương sắp xếp lại, bố trí, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các đoàn nghệ thuật, tạo được không khí sáng tác, biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật sôi động trên địa bàn thành phố. Thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng. Thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư. Hải Phòng duy trì vững chắc vị trí là một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước.

Khoa học-công nghệ có những chuyển biến tích cực. Tốc độ đổi mới công nghệ bình quân đạt 12,48%/năm; tỷ trọng TFP đóng góp vào mức tăng trưởng GRDP tăng từ 32,04% năm 2015 lên 40,36% năm 2020.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Thành phố ban hành một số chính sách mới, thiết thực về an sinh xã hội. Đã có 17.595 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hộ nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạch, xi măng để xây dựng và sửa chữa nhà với tổng kinh phí 462 tỷ đồng, 77.809 người được hưởng trợ giúp xã hội với tổng kinh phí 478 tỷ đồng. Thành phố luôn chú trọng, quan tâm việc tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong các dịp lễ, Tết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 3,86% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, liên kết vùng được đẩy mạnh; vị thế, uy tín của Hải Phòng đối với các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 15 tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.

B. VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

1. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức

Đảng bộ thành phố luôn kiên định đường lối đổi mới của Đảng; quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành hơn 1.000 văn bản bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa 12 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương, đã được quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đạt kết quả bước đầu quan trọng.

2. Công tác tổ chức, xây dựng bộ máy và công tác cán bộ 

Các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, gắn với tinh giản biên chế được Thành ủy triển khai nghiêm túc và đạt kết quả bước đầu.

Trong nhiệm kỳ, bổ nhiệm, kiện toàn hơn 330 lượt cán bộ diện Thành ủy quản lý. Quá trình kiện toàn, bổ nhiệm cán bộ luôn bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không thiên vị, không có chạy chức, chạy quyền; đạt được sự thống nhất cao trong cấp ủy, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình.

3. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng 

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 10.972 tổ chức Đảng, 22.934 đảng viên; giám sát 7.597 tổ chức Đảng, 13.444 đảng viên; thi hành kỷ luật 18 tổ chức Đảng, 1.541 đảng viên. Việc xử lý kỷ luật Đảng bảo đảm khách quan, có lý, có tình, góp phần duy trì kỷ cương, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ và củng cố niềm tin của nhân dân.

4. Công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong toàn bộ máy, như: phân cấp thẩm quyền quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”, công khai, minh bạch các dự án, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tham nhũng. Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Tổ công tác để chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

5. Công tác dân vận và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, gắn với dân thụ hưởng” được thực hiện hiệu quả cao, trở thành sức mạnh và nguồn lực trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp 

HĐND thành phố, UBND thành phố và các cấp chính quyền đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Thành ủy và các cấp ủy; có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng tạo nên những thành công toàn diện về kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM, NGUYÊN NHÂN

1. Những hạn chế, khuyết điểm

Về kinh tế-xã hội: Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương còn buông lỏng, xảy ra nhiều sai phạm. Nhiều dự án đầu tư kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Thu ngân sách nhà nước vẫn còn thất thu, thất thoát khá lớn. Hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư còn chậm. Trật tự, an toàn xã hội trong một số thời điểm còn diễn biến phức tạp; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (nhất là tệ nạn ma túy) chưa được đẩy lùi.

Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị: Công tác cán bộ còn có những hạn chế, một số cán bộ được lựa chọn đề bạt chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu tính chủ động, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng chưa được giải quyết kịp thời, còn để kéo dài. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi

2. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm

Về nguyên nhân khách quan: Trong cả nhiệm kỳ, thành phố luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình chung của đất nước và thế giới, thực lực của nền kinh tế thành phố khi bước vào đầu nhiệm kỳ còn hạn chế, môi trường đầu tư kinh doanh chưa có tính cạnh tranh cao, nguồn lực đầu tư còn ở mức thấp, nhất là nguồn thu ngân sách.

Về nguyên nhân chủ quan: Việc triển khai, quán triệt các chủ trương, nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội mang tính đổi mới của Thành ủy, trong một số thời điểm, tại một số đơn vị, địa phương… còn thể hiện sự lúng túng, vừa thiếu tinh thần đổi mới, vừa thiếu quyết liệt, dẫn đến trì trệ, một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ còn thụ động, vô cảm, là nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua.

III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Đánh giá tổng quát

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố, được sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã phát huy truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng”, nỗ lực đổi mới, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy được sức mạnh của toàn dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới với những dấu ấn mới.

Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tiềm lực của thành phố được tăng cường, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế được hiện đại hóa; diện mạo đô thị, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.

Kỷ cương, kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm. Đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện và nâng cao, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của thành phố.

Những thành tựu đạt được 5 năm qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; đặc biệt, những chỉ đạo sâu sắc, cụ thể, kịp thời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Thủ tướng Chính phủ, là một trong những yếu tố quyết định đối với những thành tựu nổi bật, toàn diện của thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua.

Những thành tựu đó là kết quả từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có nhiều đổi mới, sáng tạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy; từ sự điều hành quyết liệt, kịp thời của HĐND, UBND và các cấp chính quyền thành phố, cùng sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, tận tụy của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần lao động tích cực, sáng tạo của nhân dân thành phố.

Những thành tựu đó cũng là sản phẩm kế thừa và kết tinh của cả quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố.

Những bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: Phải luôn chú trọng tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Đảng; bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Thành ủy. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Đây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên những thành công toàn diện của thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua.

Thứ hai: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền phải có những biện pháp đổi mới mạnh mẽ, có những giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khơi thông và huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội trọng điểm của thành phố.

Thứ ba: Các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về phát triển kinh tế-xã hội phải thực sự thể hiện được “Ý Đảng * Lòng Dân”, sẽ tạo được sự đồng thuận và huy động được sức mạnh trong nhân dân. Đồng thời, phải có nguồn lực bảo đảm thực hiện; phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổng kết; tuyệt đối không ban hành những nghị quyết chung chung, không có tính khả thi.

Thứ tư: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ, chính quyền thành phố phải đề ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp để giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa việc phát triển kinh tế thị trường với việc duy trì sự tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao toàn diện đời sống của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm những giá trị ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Phương châm này được Thành ủy và chính quyền thành phố nhất quán thực hiện. Vì vậy, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố và củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng, vào vai trò lãnh đạo của Đảng, của Thành ủy.

Thứ năm: Trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, việc tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng là nhân tố quan trọng đầu tiên để tạo nên thành công. Để đạt được điều đó, trước hết, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các dự án đầu tư đều phải phù hợp nhu cầu phát triển, mang lại hiệu quả chung cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước. Đồng thời, quá trình triển khai phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch từ chủ trương đến chính sách bồi thường, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

PHẦN THỨ HAI: MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ 5 NĂM (2020-2025)

Dự báo tình hình

Trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Cùng với đất nước, thành phố Hải Phòng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình chung đó. Đồng thời, thành phố cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ thực tiễn. Trong đó, khó khăn từ những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực trong Báo cáo Chính trị đã chỉ ra.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đứng trước thời cơ và thuận lợi rất lớn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa thành phố. Đặc biệt, Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những định hướng, giải pháp mang tính hiện thực cao, đã mở ra thời cơ lịch sử cho thành phố Hải Phòng trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; là trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 1; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Các chỉ tiêu kinh tế: Tăng trưởng GRDP đạt bình quân 14,5%/năm; đến năm 2025, tỷ trọng GRDP đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt 6,4%, GRDP bình quân đầu người đạt 11.800 USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 21,5%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 65.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1 triệu 200 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng đạt 300 triệu tấn, khách du lịch đạt 20 triệu lượt, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Các chỉ tiêu xã hội và môi trường: Giải quyết việc làm cho 55.800 lượt lao động/năm. Đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100%.

Chỉ tiêu xây dựng Đảng: Kết nạp từ 15.000 đến 15.500 đảng viên; hằng năm, 70% số doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 100% số hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển 

– Nâng cao hiệu quả các biện pháp chống thất thu ngân sách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác thu ngân sách, bảo đảm nguồn thu ngân sách phản ánh đúng thực lực kinh tế của thành phố. Siết chặt kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc chi ngân sách, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý thu, chi ngân sách. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phân cấp thẩm quyền, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm cho các quận, huyện, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 chi đầu tư phát triển chiếm 60% tổng chi ngân sách thành phố.

– Quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mà trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính. Phấn đấu Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cởi mở, thông thoáng để thu hút dòng đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, và dòng đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đang ngày càng quan tâm hơn tới Hải Phòng.

2. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch

– Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn (như công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử, tin học). Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt các tiêu chuẩn hiện đại.

– Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Cùng với việc xây dựng tiếp bến số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ tập trung kết nối hạ tầng logistics của Hải Phòng với các quốc gia về cả đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không.

– Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, đảo Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, có cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, cùng với việc phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc biệt của Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại, trung tâm tài chính-ngân hàng, đồng thời với việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cao các Hiệp định thương mại tự do.

3. Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

– Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển. Bố trí nguồn lực hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo các dòng sông chảy qua nội đô, tạo thành các cảnh quan và các công trình công cộng phúc lợi xã hội có giá trị văn hóa cao. Thành phố tiếp tục bố trí nguồn ngân sách hợp lý và huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các khu chung cư mới thay thế các khu chung cư cũ còn lại, hoàn thành toàn bộ vào năm 2025. Cơ bản hoàn thành các công trình, dự án lớn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 3 hướng đột phá (Bắc sông Cấm, Cát Hải-Cát Bà, Đồ Sơn và ven sông Lạch Tray).

Song song với việc tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025; chuyển đổi huyện Kiến Thụy thành đơn vị hành chính quận trước năm 2030. Quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực nhằm hiện đại hóa hạ tầng kinh tế-xã hội quận Dương Kinh và quận Kiến An bảo đảm đồng bộ với tiến trình và tốc độ phát triển đô thị thành phố.

– Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai trên địa bàn thành phố, đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên 2, cầu Bến Rừng, cầu Rào 3, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Tiếp tục đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương và cho triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai. Phấn đấu đến năm 2025, Hải Phòng có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thực sự đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, xứng đáng là trung tâm giao thương quốc tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.

4. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, quyết tâm đến năm 2025, 100% số xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ưu tiên việc huy động nguồn lực để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành thêm nhiều khu sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị thương phẩm cao.

Thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của đảo Bạch Long Vỹ, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để hoàn thành xây dựng trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc đảo Bạch Long Vỹ.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo đảm hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai. Việc thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố phải bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư vi phạm quy hoạch, chậm tiến độ. Đồng thời rà soát toàn bộ tiền sử dụng đất, xây dựng kế hoạch, điều chỉnh giá đất bảo đảm theo đúng quy định. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, khoáng sản, quyết liệt thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Có kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

6. Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ; trọng điểm phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước

– Tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư hợp lý để nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, tăng nhanh tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định Hải Phòng là trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Duyên hải Bắc bộ, một trong những địa phương có chất lượng giáo dục, đào tạo hàng đầu cả nước.

– Ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện trọng điểm của thành phố, đồng thời tăng cường hỗ trợ về nhân lực, nguồn lực đối với hệ thống bệnh viện cấp quận, huyện; có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế, bảo đảm chất lượng các dịch vụ y tế tiệm cận với các tiêu chuẩn hiện đại. Đặc biệt, luôn chủ động trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, trước hết là dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho thành phố trong mọi tình huống.

7. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

– Quan tâm việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hải Phòng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân thành phố, tạo thành nguồn lực tinh thần để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố. Tiếp tục có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác văn học nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

– Tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế. Thành phố sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, đồng thời, triển khai tiếp các đề án để đầu tư cho an sinh xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt quan tâm, chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.

8. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và liên kết vùng

9. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền

– Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, chú trọng việc tổng kết thực tiễn, hoạch định chủ trương, chính sách, triển khai thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng và các nghị quyết của Trung ương.

– Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, khóa 12), phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng và những đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… Đồng thời thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng.

– Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

(*) Đầu đề của Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quyết tâm phấn đấu để Hải Phòng luôn là địa phương đi đầu trong sự nghiệp đổi mới (*)
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác