Bên cạnh những tạp chí hoạt động theo đúng quy định, đăng tải các thông tin phổ biến các công trình khoa học; phân tích, làm rõ hơn các vấn đề mang tính lý luận chuyên ngành, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số tạp chí “báo hóa”, không tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như pháp luật.
Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý báo chí, đây là hiện tượng cần quyết liệt xử lý, chấn chỉnh, để hoạt động báo chí phát triển lành mạnh.
Sai phạm tái diễn nhiều lần
Ngày 7/9/1018, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có quyết định xử phạt Tạp chí điện tử TTV 44 triệu đồng, trong đó có 35 triệu đồng tiền phạt do thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí và 9 triệu đồng tiền phạt do thực hiện không đúng quy định trong giấy phép.
Đây không phải lần đầu tiên tạp chí này bị xử phạt. Trước đó, ngày 13/10/2017, tạp chí này đã bị Cục Báo chí xử phạt 53 triệu đồng do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thông tin sai sự thật trong bài viết đăng ngày 16/9/2017.
Một trường hợp khác, ngày 21/9/2018, Cục Báo chí đã ban hành quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí ghi tại giấy phép hoạt động báo chí. Trước đó, ngày 23/4/2018, Cục Báo chí cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng đối với tạp chí này do đăng tải 2 bài viết có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đây là hai ví dụ trong số các tạp chí điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính trong hai năm 2017-2018. Theo thống kê của Cục Báo chí, từ năm 2017 đến nay, Cục đã rà soát, xác định, xử lý vi phạm 16 lượt cơ quan báo, tạp chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, với tiền 430 triệu đồng, đặc biệt có những cơ quan tạp chí bị xử phạt đến hai lần.
Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ: Đây là việc không mới, đã đã xảy ra một số năm nay, gây bức xúc không chỉ trong cơ quan quản lý báo chí, còn cả trong dư luận xã hội tại nhiều nơi, nhiều diễn đàn. Tình trạng nhiều tạp chí nhỏ, tạp chí của một số tổ chức, hội, viện… không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích được cấp trong giấy phép.
Nhiệm vụ của các tạp chí này là phân tích chuyên sâu về chuyên môn theo lĩnh vực nhưng họ không thực hiện, chỉ tập trung vào việc “đánh đấm” ở ngoài, từ chuyện vụ án đến chuyện phân chia tài sản, đất đai, thưa kiện, thậm chí đi đưa tin, viết theo yêu cầu của bạn đọc, điều tra theo thư bạn đọc (hoàn toàn không có trong chức năng, nhiệm vụ). Hoặc, họ lợi dụng danh nghĩa tạp chí để đi dọa dẫm, làm những việc không trong sáng, đàng hoàng, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân… Đó là vấn đề vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp…
Có nhiều tạp chí lý giải việc thực hiện thông tin thời sự là do sức ép của kinh tế là không có căn cứ. Một cơ quan tạp chí đã xin phép cơ quan quản lý Nhà nước để ra đời, phải thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích chứ không phải một doanh nghiệp.
“Nếu anh không lo được kinh phí, không tự trang trải được thì không nên hoạt động, không thể lấy lý do vì đã hoạt động nên phải kiếm tiền nuôi anh em. Đó là cách nói không trách nhiệm. Đành rằng có những tạp chí khó khăn nhưng không thể lấy lý do khó khăn mà để anh em muốn làm gì thì làm” – Tiến sỹ Trần Bá Dung nói.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều quyết định xử phạt. Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã vào cuộc, đưa vấn đề này ra thảo luận tại các cuộc giao ban báo chí. Đây là thực trạng nhức nhối, vì vậy, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang đề ra những giải pháp khắc phục, chấn chỉnh để sớm chấm dứt tình trạng này.
Gây hệ lụy không nhỏ
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí – Tuyên truyền nêu rõ: Về lý thuyết, tạp chí trên thế giới, cũng như ở Việt Nam được phân định làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các tạp chí lý luận chính trị (thuộc các tổ chức chính trị) có nhiệm vụ bày tỏ quan điểm chính trị. Nhóm thứ hai là nhóm tạp chí khoa học: đây là diễn đàn trao đổi học thuật của các nhà khoa học và được tính điểm khoa học, góp phần hỗ trợ rất tốt cho giới học thuật. Nhóm thứ ba là tạp chí tư vấn, tham vấn và giải trí hay còn gọi là những tạp chí chỉ dẫn giải trí: nhóm này mang tính chuyên biệt theo từng lĩnh vực, như: thời trang, nấu ăn…
Tạp chí có chức năng phân tích, bình luận, lý giải, trao đổi học thuật, chuyên môn nghiệp vụ. Một cơ quan tạp chí ra đời sẽ thực hiện đúng chức năng, nội dung chuyên ngành. Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay là có những tạp chí đăng tải không đúng theo quy định, ví dụ như tạp chí chuyên về sắt, thép lại bàn về lĩnh vực showbiz hoặc các bài điều tra; tạp chí của hội, liên hiệp hội lại đưa tin thời sự, chính trị…
Bên cạnh đó, còn có câu chuyện một số tạp chí lợi dụng để làm kinh tế. Tình trạng này là do một số cơ quan chủ quản: hội, liên hiệp hội, các tổ chức chính trị, xã hội còn lơ là trong việc quản lý các tạp chí điện tử chuyên ngành. Bên cạnh những tạp chí hoạt động chân chính, có những tạp chí tìm mọi cách để thu hút nguồn lực, do đó, họ sẵn sàng đăng tải thông tin thời sự, đăng thông tin trực tuyến, sử dụng breaking news để tăng lượt view, thu hút quảng cáo; sẵn sàng đi vào các vấn đề gai góc để điều tra, phản ánh, sau đó sẽ dẫn đến tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ“… Đó không phải chức năng, nhiệm vụ của tạp chí. Thậm chí các tờ báo điện tử cũng không được làm điều này, bởi đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Tình trạng “báo hóa” tạp chí gây ra hệ lụy lớn, nhất là trong việc quản lý báo chí. Theo đó, cơ quan quản lý báo chí đã phân định rõ thế nào là cơ quan báo chí, cơ quan tạp chí. Nếu cơ quan tạp chí không thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền sẽ làm nhiễu loạn, gây khó khăn trong quá trình quản lý Nhà nước, đồng thời làm mất uy tín của nghề báo đối với xã hội. Lâu nay nghề báo luôn được đề cao trong xã hội nhưng hiện nay một số tạp chí hay mạng xã hội đã khiến nhiều độc giả hiểu rằng thông tin trên mạng xã hội cũng là thông tin báo chí. Thêm vào đó, nhiều người làm báo của các tạp chí đi nhũng nhiễu, dọa nạt, tống tiền, viết các bài sai trái, nếu đọc các bài viết đó, công chúng sẽ mất lòng tin với báo chí chính thống – Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng lo ngại.
Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nghiêm nhấn mạnh: Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí đăng tin bài có tính chất chuyên ngành nhưng hiện nay có nhiều tạp chí không tập trung vào “sở trường” này, chỉ chạy theo hoạt động như báo điện tử – “sở đoản”, nên rất dễ để xảy ra sai sót. Việc sai sót về thông tin, đưa tin sai, tin giả sẽ gây độc hại cho xã hội.
Để báo chí phát triển lành mạnh
Tại hội nghị báo chí toàn quốc, triển khai nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông: gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử. Đồng thời, Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử – một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã quy định rõ: Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp chỉ có tạp chí điện tử; thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu nhận định: Tình trạng báo hóa tạp chí, tạp chí thông tin không đúng tôn chỉ mục đích là một trong những hành vi vi phạm của hoạt động báo chí, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thời gian qua, có một số tạp chí điện tử cập nhật tin tức về thời sự chính trị và nhiều mảng kinh tế – xã hội khác, khai thác nhiều về thông tin tiêu cực. Trong khi đó, thông tin mang tính chuyên ngành, chuyên sâu lĩnh vực của mình thì còn hạn chế. Đây là việc các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đang quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng này để hoạt động báo chí phục vụ tốt hơn cho người dân.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản gửi cơ quan chủ quản các tạp chí, tạp chí điện tử đề nghị chấn chỉnh các hoạt động, thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích. Đồng thời, Bộ cũng đã đăng tải công khai tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí trong đó có các tạp chí điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp người dân đều có thể cùng tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí.
Đặc biệt, Cục báo chí đã rà soát, xác định vi phạm và xử lý sai phạm của nhiều cơ quan báo chí, tạp chí thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp để hoạt động của các tạp chí điện tử đi đúng tính chất, chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, góp phần giúp hoạt động báo chí phát triển lành mạnh, chấm dứt tình trạng “báo hóa” tạp chí.
Theo đó, Bộ sẽ rà soát, cấp lại giấy phép của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí, thực hiện theo đúng quy hoạch báo chí đã được ban hành; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng hướng dẫn về tạp chí điện tử, báo điện tử. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm về tôn chỉ mục đích, “báo hóa” tạp chí – Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.
Phúc Hằng (TTXVN)