Theo quy định của ngành chăn nuôi, một trong các nguyên tắc để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, tránh lây lan đến các địa bàn khác là tiêu hủy động vật nhiễm bệnh tại chỗ và làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng khu vực này… Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện nay, việc tiêu hủy đang gặp một số khó khăn, chính quyền địa phương và các hộ dân cũng lúng túng.
Xã Chính Mỹ và cơ quan chức năng vận chuyển đàn lợn đi tiêu hủy.
“Bí” chỗ tiêu hủy lợn
Để tiêu hủy hết hơn 300 con lợn nặng hơn 18.000 kg nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Khoái ở thôn 8 xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên) phải thuê máy xúc. Việc chôn hủy lợn theo đúng quy định của ngành chăn nuôi nhiều việc phải làm nhưng gia đình chỉ có 2 ông bà già nên việc thuê máy móc, nhân công rất tốn phí. Song không phải lúc nào cũng dễ thuê được máy xúc và người làm nên việc tiêu hủy của gia đình bị ảnh hưởng tiến độ. Còn cảnh ông Nguyễn Văn Dấm ở thôn 6 cùng xã phải tự tay đào múc từng xô đất để lập hố tiêu hủy 10 con lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Công việc vất vả, mệt nhọc, nhiều việc phải làm khiến có lúc gia đình cảm thấy kiệt sức, khó chuẩn bị kịp các phương tiện vận chuyển, khử trùng tiêu độc…Nhiều người phải nhờ hầu hết người thân trong gia đình, họ hàng tranh thủ giúp….
Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại huyện Tiên Lãng, lãnh đạo Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện và chính quyền xã Quyết Tiến cũng tỏ ra lúng túng trong việc tìm chỗ tiêu hủy đàn lợn. Ông Mai Công Việt, Trạm trưởng Trạm Thú y Tiên Lãng cho biết, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Các hộ này ở xen lẫn trong khu dân cư, diện tích chuồng trại và nhà ở nhỏ, hẹp. Khi phải tiêu hủy đàn lợn, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ hộ chăn nuôi không thể chôn hủy tại khuôn viên gia đình. Vì vậy, chính quyền địa phương quyết định tìm chỗ chôn ở cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, nhiều trở ngại trong công tác tiêu hủy là bởi phải vận chuyển đàn lợn ra xa, khó kiểm soát lây lan…
Thực tế công tác tiêu hủy lợn tại các địa phương có dịch hiện nay đều phải thực hiện nhanh chóng, khẩn trương, an toàn, tránh lây lan. Các xã đều thành lập đội tiêu hủy lợn. Tuy nhiên, đến nay, ở một số địa phương có đàn lợn tiêu hủy với số lượng lớn như các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng… rất khó giám sát số lượng, trọng lượng lợn tiêu hủy. Các hộ có đàn lợn bị tiêu hủy với số lượng lớn mới có sự tham gia của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Một số hộ có số lượng lợn một, hai con tiêu hủy phải tự thực hiện. Các hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, diện tích gia đình nhỏ, hẹp không thể bố trí hố chôn tại khuôn viên gia đình hoặc vườn nhà. Chính quyền địa phương cũng loay hoay tìm chỗ chôn lấp phù hợp cho các hộ này…
Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ khu vực chôn lấp
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các quận, huyện, trong trường hợp dịch lây lan nhanh, với số lượng phải tiêu hủy lớn, việc bố trí chôn lấp khó khăn, các xã phải chủ động lên phương án, vị trí tiêu hủy hợp lý. Tại gia đình bà Trần Thị Chanh, thôn 1 xã Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) có 12 con nặng 370 kg. Vì trại chăn nuôi ngay trong vườn nhà nên khi phải tiêu hủy lợn, chính quyền địa phương yêu cầu gia đình phải vận chuyển ra khu vực cánh đồng để chôn. Gia đình ông Nguyễn Tiến Chủ ở thôn Phú Cơ, xã Quyết Tiến (Tiên Lãng) không có chỗ trong khuôn viên gia đình nên chính quyền địa phương quyết định chôn hủy đàn lợn bị dịch bệnh của ông Chủ tại nghĩa trang nhân dân của thôn.
Kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi có lợn bị dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Chuyến khuyến khích, động viên các hộ bố trí chôn hủy tại chỗ trong vườn nhà hoặc khu vực chung quanh, hạn chế việc vận chuyển đàn lợn đi vị trí khác để tránh lây lan dịch bệnh sang các hộ chăn nuôi khác hoặc các vùng lân cận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chính quyền địa phương khó khăn về chỗ chôn lấp, nhất là khu vực ven đô, việc tìm chỗ và thực hiện tiêu hủy phải thận trọng và đúng cách. Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) Nguyễn Văn Mạnh, hiện nay, dịch mới xảy ra tại một hộ dân trên địa bàn. Để chủ động công tác phòng chống và tiêu hủy đàn lợn dịch bệnh, chính quyền địa phương đã bố trí vị trí phù hợp, xa khu dân cư và được kiểm soát chặt chẽ.
Theo Chi cục Chăn nuôi -Thú y, trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác đểlót bên trong (đáy và chung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển. Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm chôn lấp. Tại khu vực tiêu hủy cần giám sát chặt chẽ, đánh dấu vị trí, khử trùng tiêu độc liên tục để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm phóng viên kinh tế – baohaiphong.com.vn
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More