Nhằm phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững để Hải Phòng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia, có vai trò quốc tế và là trọng điểm phát triển kinh tế biển. Chủ tịch UBND thành phố vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm logistics để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố
Theo đó, thời gian tới thành phố sẽ quy hoạch phát triển mạnh, đa dạng các loại dịch vụ logistics được quy định trong Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó, tập trung các dịch vụ logistics chính, trực tiếp phục vụ hệ thống cảng biển và sân bay khu vực Hải Phòng, trước hết bao gồm: dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan, dịch vụ kho bãi container hỗ trợ vận tải biển, xếp dỡ container…
Quy hoạch 3 hành lang chính vận tải hàng hóa đi/đến thành phố Hải Phòng: Tuyến trục Hải Phòng – Hà Nội với hai nhánh đi Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc) và đi Lạng Sơn – Quảng Tây (Trung Quốc); tuyến trục Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái; tuyến trục Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình. Quy hoạch các tuyến vận chuyển hàng hóa hàng không phù hợp với quy hoạch các tuyến bay quốc tế kết nối sân bay Cát Bi tới các sân bay trong và ngoài nước.
Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics nhằm nâng cao nhanh giá trị dịch vụ logistics tính trên tấn (container) hàng hóa thông qua cảng ở Hải Phòng (cảng biển, cảng hàng không).
Phấn đấu đến năm 2020, quy hoạch 4 trung tâm logistics với tổng công suất hàng hóa thông qua khoảng 71,6 triệu tấn/năm (trong đó khối lượng container khoảng 4,01 triệu TEUs/năm), đảm nhận 40% – 50% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics.
Đến năm 2025, quy hoạch 6 trung tâm logistics với tổng công suất thông qua khoảng 90,65 triệu tấn/năm, trong đó hàng container khoảng 5,07 triệu TEUs/năm, đảm nhận 50% – 60% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics.
Đến năm 2030, tiếp tục phát triển các trung tâm logistics theo hướng nâng cấp mở rộng và đầu tư theo chiều sâu 6 trung tâm logistics, với tổng công suất thông qua đạt 140,35 triệu tấn/năm, đảm nhận 60%-65% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Huy động nguồn lực để xây dựng các công trình kết nối với các trung tâm logistics
UBND thành phố đề ra 7 giải pháp thực hiện quy hoạch, bao gồm: mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực từ các nguồn vốn như ODA, PPPl; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics; tập trung đầu tư quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, phương tiện kỹ thuật đồng bộ, tiên tiến nhằm phục vụ cho phát triển dịch vụ logistic tại Hải Phòng, mở rộng kết nối hạ tầng với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới; phát triển hệ thống doanh nghiệp, nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động dịch vụ logistics; điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp đầu tư vào phát triển dịch vụ logistics…
UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải tổ chức công bố Quy hoạch, đồng thời tập trung triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình kết nối với các trung tâm logistics, điển hình như: tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai; đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh; các bến cảng tiếp theo Cảng quốc tế Lạch Huyện…
Các Sở, ngành liên quan và địa phương phối hợp tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện các cơ chế chính sách pháp lý khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics; bố trí quỹ đất quy hoạch, quỹ đất dành cho phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố; đề xuất ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động logistics Hải Phòng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí… Tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phát triển dịch vụ logostics, hệ thống trung tâm logistics thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương.
Trâm Bầu