Print Thứ Năm, 18/06/2020 13:41 Gốc

Quy hoạch chưa theo kịp xu thế phát triển là thực tế việc thực hiện khai thác, sử dụng không gian biển của thành phố thời gian qua. Thực trạng này dẫn đến một loạt hệ quả, nguy hại đối với môi trường biển.

Nhiều hệ quả do quy hoạch đi sau phát triển

Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp 11, HĐND thành phố khóa 15 mới đây, cử tri huyện Cát Hải phản ánh nguồn nước ngọt không đủ phục vụ sinh hoạt, trong khi đó các dự án xây hồ chứa nước ngọt tại các xã: Phù Long, Xuân Đám, Trân Châu đều chưa hoàn thành. Không chỉ nước ngọt, sự quá tải của các bãi rác thải sinh hoạt cũng là vấn đề lớn đối với môi trường huyện Cát Hải. Hiện nay, tại huyện đảo có bãi rác Đồng Sam là nơi chôn lấp rác của khu vực. Tuy nhiên, bãi rác này đang ngày càng quá tải, lại nằm gần khu dân cư nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân. Đây không phải lần đầu cử tri huyện Cát Hải có kiến nghị, phản ánh về vấn đề này. Tình trạng thiếu nước ngọt, bãi rác quá tải diễn ra nhiều năm qua.

Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường biển Trần Đình Lân: Sự xung đột giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại đảo Cát Bà là một trong 3 xung đột môi trường ở khu vực bờ biển Hải Phòng. Vùng biển Hải Phòng là nơi có nhiều hoạt động kinh tế sôi động như: du lịch, phát triển cảng, công nghiệp. Nhưng thời gian qua, việc phát triển kinh tế biển còn thiếu kiểm soát và quy hoạch, định hướng phát triển không gắn kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dẫn đến những tổn hại về môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Khách du lịch đến Cát Bà tăng kéo theo sự gia tăng hạ tầng các cơ sở phục vụ du lịch. Sự phát triển nóng làm nảy sinh các vấn đề môi trường sinh thái. Không riêng Cát Bà, tại vùng biển Hải Phòng còn 2 xung đột phát triển và bảo vệ môi trường nữa là giữa phát triển cảng với bảo vệ đa dạng sinh học; phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Thành phố hiện chưa có quy hoạch tổng thể về khai thác, sử dụng biển, hải đảo. Hầu hết quy hoạch có liên quan đến kinh tế biển mới chỉ quan tâm đến quy hoạch khu vực trong đất liền, chưa chú ý đến quy hoạch không gian biển. Thiếu quy hoạch không gian kinh tế biển-ven biển và hải đảo dẫn đến tình trạng xây dựng các công trình, các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tràn lan.

Dự báo nhu cầu gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ

Trước thực tế phát triển “nóng” như hiện nay, thành phố giao Sở Tài nguyên-Môi trường lập đề án quy hoạch không gian biển Hải Phòng. Đề án được Hội đồng thành phố thẩm định, nghiệm thu. Đặc biệt, mới đây, đề án không gian biển của thành phố tích hợp đề án Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2035 tầm nhìn đến năm nhìn 2050. Theo đó, không gian biển của thành phố được tổ chức lại theo nguyên tắc tăng cường tính liên kết giữa không gian nội đô với không gian ven biển, với các cụm đảo và biển. Trong đó, không gian ven biển là vùng kinh tế động lực, sử dụng hợp lý hệ thống sông là điểm nhấn của nội đô thành phố, giá trị quốc gia và toàn cầu của quần thể đảo đá vôi Cát Bà-Long Châu phải được bảo vệ và bảo tồn. Đặc biệt, quy hoạch dự báo nhu cầu phát triển và xác lập được những công trình hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên biển đảo bền vững, giải quyết hiệu quả cao những mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Việc thực hiện phát triển theo quy hoạch cho những kết quả bước đầu.

Bên cạnh đó, để bảo đảm khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, theo PGS, TS Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường biển: Việc phát triển kinh tế biển cần ưu tiên lựa chọn những ngành, nghề có hiệu quả kinh tế-xã hội cao, ít chất thải và thân thiện với môi trường; khuyến khích ứng dụng khoa học-công nghệ biển trong các hoạt động sản xuất, để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực có tầm chiến lược, có sức canh tranh cao. Cụ thể như: công nghệ sinh học biển, kinh doanh dịch vụ cảng, vận tải biển, logistics; thương mại (quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, ủy thác, kho bãi); du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng cao cấp….

Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4 nghìn km², gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố, chiếm 5,4% diện tích và 10,5% dân số của vùng vịnh Bắc bộ. Việc xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch không gian biển là cơ hội để Hải Phòng sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố biển xanh.

Nguyên Mai

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quy hoạch không gian biển Hải Phòng: Tạo đà phát triển kinh tế bền vững
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác