Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện nay có 255 bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trên các bãi bồi ven sông, ven biển, trong phạm vi bảo vệ đê điều. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong quản lý bến bãi VLXD vì tình trạng lộn xộn, thiếu quy hoạch, hoạt động trái phép diễn ra từ nhiều năm nay.
Bãi tập kết vật liệu xây dựng ven đê sông Văn Úc địa phận xã Chiến Thắng, huyện An Lão (đoạn chân cầu Khuể) vi phạm hành lang đê, phương tiện neo đậu tràn lan.
Ảnh: Minh Trí
Vẫn vướng mắc khi xử lý
Tại quận Dương Kinh hiện có gần 40 tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bãi bồi ngoài đê trên địa bàn các phường Đa Phúc, Anh Dũng, Hải Thành. Việc quản lý bãi bồi của quận gặp nhiều khó khăn, nhất là trong xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, xây dựng công trình ngoài đê. Nhiều vi phạm kéo dài chưa có biện pháp thống nhất để xử lý. Dọc bãi bồi ngoài đê sông Lạch Tray và đê biển 1, các công trình, nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng mọc lên san sát. Nhiều bãi tập kết cát, đá, than chất đống cao vượt đỉnh đê 3- 5 m. Nhiều nhà xưởng, công trình kiên cố gắn biển đề tên doanh nghiệp, công ty. Trong đó, một số vụ vi phạm pháp luật về đê điều dù được phát hiện, ngăn chặn nhưng không thể xử lý triệt để. Chủ tịch UBND quận Dương Kinh Lê Lương cho biết, thực tế kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trên đất bãi bồi ngoài đê có nhiều khó khăn, mâu thuẫn phát sinh. Một số ít doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất nên được hoạt động, tồn tại nhiều năm nay. Còn lại, hầu hết doanh nghiệp không có hợp đồng thuê đất cũng ngang nhiên hoạt động. Ngân sách thất thu vì không có căn cứ để thu như hợp đồng thuê đất, không xác định được ranh giới sử dụng đất của các doanh nghiệp.
Khó khăn trong quản lý bến bãi vật liệu xây dựng ở quận Dương Kinh cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Theo Sở Xây dựng, trên thực tế, các bãi VLXD vẫn hoạt động ngoài vòng kiểm soát, thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý bãi VLXD giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn chưa rõ ràng. Tại một số địa phương, số liệu các bãi VLXD và hoạt động của các bến, bãi này được UBND cấp xã tổng hợp, báo cáo lên cấp huyện chưa chính xác. Vì vậy, hồ sơ quản lý các bãi tập kết, kinh doanh VLXD rất đơn giản, chưa bảo đảm quy định pháp luật.
Trước thực trạng trên, để khắc phục bất cập trong phối hợp quản lý VLXD, ngày 21- 11, UBND thành phố ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh cho biết, để lập lại trật tự và quản lý chặt chẽ các bến bãi VLXD trên địa bàn, rất cần sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành theo đúng nội dung chỉ đạo tại Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND, giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, trong đó có việc kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhất là các bãi vật liệu vi phạm hành lang đê điều và thoát lũ. Các ngành, địa phương bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa kinh doanh, quản lý chất lượng các loại VLXD, bảo đảm các quy chuẩn quốc gia về sản phẩm…
Bãi tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng trên tuyến sông Lạch Tray (đoạn qua địa phận phường Lãm Hà, quận Kiến An).
Quản lý chặt, thiết lập kỷ cương
Đầu năm 2018, Đoàn liên ngành thành phố kiểm tra 79 tổ chức, cá nhân kinh doanh VLXD ven các bãi sông. Có 21 tổ chức, hộ kinh doanh không có giấy phép hoạt động. Phần lớn hộ kinh doanh VLXD không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng nội dung đăng ký, bến bãi tập kết không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc sử dụng sai mục đích thuê đất, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế; kinh doanh chưa tuân thủ quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm hàng hóa kinh doanh. Các loại VLXD kinh doanh tại bến bãi không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu là hàng trôi nổi từ các tàu hút cát trái phép trên sông. Phần lớn chủ bến bãi không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước trong kinh doanh… Đến nay, còn hơn 10 trường hợp vi phạm chưa xử lý dứt điểm.
Việc xảy ra vi phạm phần nhiều do các bến bãi hoạt động tự phát, thiếu quy hoạch, không được cấp phép. Thực trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện có bãi tập kết vật liệu ven sông, ven biển như: Dương Kinh, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên… Điều này vừa khó trong quản lý, vừa gây phức tạp đến an ninh, trật tự. Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng đang hoàn thiện trình thành phố phê duyệt Đồ án quy hoạch bến, bãi tập kết khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một số tiêu chí đưa vào dự thảo quy hoạch các bến bãi chặt chẽ hơn, đơn cử như diện tích bến bãi tối thiểu từ 2000 m2, nằm ngoài hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ, nếu tiếp xúc với mặt sông chiều dài bến tiếp xúc tối thiểu phải 60 m. Các bến bãi không phù hợp quy hoạch, không bảo đảm hành lang thoát lũ và an toàn đê điều, đình chỉ hoạt động, giải tỏa vật liệu tập kết, khôi phục mặt bằng khu vực ven sông. Cùng với Quyết định34/2018/QĐ-UBND, Quy hoạch là cơ sở để quản lý bến bãi VLXD chặt chẽ hơn, đưa hoạt động của hệ thống bến bãi VLXD vào quy cũ, khắc phục tình trạng hoạt động lộn xộn, giảm thiểu vi phạm.
Phạm Lượng – Báo Hải Phòng 28/11/2018