Print Thứ Tư, 17/03/2021 11:15 Gốc

Theo quy định trong các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20-3-2021, giáo viên các cấp sẽ phải có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đây là một trong những tiêu chuẩn của giáo viên để thăng hạng và giữ hạng viên chức. Tuy nhiên, dư luận cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế công việc.

Chưa phù hợp thực tế

Giáo viên các cấp sẽ phải có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đó là quy định trong một loạt thông tư mới của Bộ GD-ĐT sẽ có hiệu lực từ ngày 20-3 tới đây. Cụ thể từ đầu tháng 2, Bộ GD-ĐT ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập. Giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ được giữ hạng viên chức tương ứng và tăng lương theo quy định. Đơn cử, giáo viên có bằng đại học sư phạm, làm việc lâu năm, là giáo viên tiểu học hạng 2, phải đi học bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới được giữ nguyên hạng 2 như trước.

Từ khi các thông tư này được ban hành, nhiều giáo viên trên cả nước và thành phố Hải Phòng băn khoăn việc phải đăng ký khóa học để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, vì nếu không sẽ không giữ được hạng viên chức đang hưởng… Được biết, một khóa học có thời gian từ 2-3 tháng, thường diễn ra theo hình thức học online vào các ngày thứ 7, chủ nhật cuối tuần. Học phí khoảng từ 1,6 triệu đồng đến 2,4 triệu đồng, tùy từng nơi cấp chứng chỉ. Học phí do giáo viên tự chi trả.

Cô giáo Trần Thị H., Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) chia sẻ: Nhiều giáo viên của trường tìm hiểu, đăng ký khóa học online tại một trung tâm với mức phí 1,6 triệu đồng/người. Đây là mức phí thấp nhất vì theo chị tìm hiểu ở các trung tâm khác kinh phí là 2,4 triệu đồng. Vừa đi dạy trên lớp hằng ngày, vừa phải theo học khóa học vào những ngày nghỉ cuối tuần, lại phải trích một phần lương để đóng học phí nên chị cảm thấy bức xúc. Trong khi, nội dung của khóa học không có gì mới, vẫn là những kiến thức, vấn đề mà giáo viên được đào tạo khi theo học ở các trường đại học sư phạm. Vì vậy, việc buộc các giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gây lãng phí về tiền của, công sức và thời gian.

Trên thực tế, đối với đội ngũ giáo viên, để được đứng lớp họ phải trải qua các kỳ thực tập, thực tế, được trau dồi kiến thức ngay từ thời sinh viên. Khi về cơ sở giảng dạy, các thầy, cô giáo lại tiếp tục được bổ túc chuyên môn thực tế thường xuyên. Do đó việc bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phải thực sự thiết thực nếu không sẽ trở thành quy định rườm rà, gây lãng phí không đáng có.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên trên địa bàn thành phố bày tỏ, với những người có chứng chỉ cao hơn nên công nhận quy đổi mà không phải bổ sung chứng chỉ. Bởi khi học bồi dưỡng chứng chỉ thì nội dung những yêu cầu học hạng cao hơn đã bao hàm cả nội dung yêu cầu của hạng dưới.

Tiết học Toán tại Trường tiểu học Minh Khai (quận Lê Chân). Ảnh: Đỗ Hiền.

Cần được hướng dẫn cụ thể

Trên thực tế, chứng chỉ về chức danh nghề nghiệp không phải là yêu cầu chỉ riêng với ngành Giáo dục mà còn với các ngành khác. Nhưng, nhiều giáo viên chưa được hướng dẫn đầy đủ. Do đó, trước đây có nhiều giáo viên tự đầu tư kinh phí đi học chứng chỉ nghề nghiệp, thậm chí nhiều người do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ. Mặt khác, không ít đơn vị không đủ thẩm quyền cũng mở các lớp học và cấp chứng chỉ nhưng không sử dụng được, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của giáo viên. Trong khi đó, việc cấp chứng chỉ phải do các cơ sở đào tạo được cơ quan chức năng liên quan quản lý, cấp phép hoạt động cấp; cũng như cơ sở đó thực hiện liên kết với các trường đại học, cao đẳng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục theo danh sách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục quy định. Do vậy, các giáo viên không nên vội vàng đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng viên chức tương ứng để tránh lãng phí. Chẳng hạn, những giáo viên chưa đủ năm công tác, phải 6,7 năm nữa mới tới hạn thăng hạng viên chức thì không cần học sớm, mà nên dành thời gian để bổ sung các điều kiện khác.

Từ thực tế đó, Sở GDĐT thành phố sớm hướng dẫn cụ thể các Phòng GDĐT, trường học trên địa bàn thành phố rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng kế hoạch, sắp xếp, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng; xác định giáo viên cần đào tạo ở trình độ nào, phải bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng bao nhiêu và khuyến cáo giáo viên không tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng online do các đơn vị không đủ điều kiện, không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí không đáng có.

Lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) đề xuất: Việc thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện cần và đủ để phân hạng, bậc đối với các giáo viên. Tuy nhiên, việc học, cấp chứng chỉ nên để cơ quan chức năng có thẩm quyền đứng ra tổ chức và không thu kinh phí để việc đào tạo, bồi dưỡng thực chất hơn.

Nhóm Phóng viên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: Cần hướng dẫn cụ thể, tránh gây lãng phí
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác