Trong những ngày gần đây, dư luận cũng như trên các diễn đàn mạng xã hội bàn tán, tranh luận về nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, trong đó có mức phạt liên quan đến nồng độ cồn trong máu đã khiến nhiều người phải nhìn lại mình mỗi khi uống rượu bia trước khi lái xe.
Theo đó, phóng viên Báo Thanh Niên cũng thực hiện một khảo sát bỏ túi với một số bạn trẻ có độ tuổi từ 32 trở xuống về mức độ quan tâm, sự ảnh hưởng của quy định này đến cuộc sống. Đối tượng chính là những người đã đi làm và các bạn đang là sinh viên. Đây cũng là một khảo sát nhỏ, mang tính chất tham khảo và không đại diện cho bất kỳ tổ chức hay ý kiến số đông nào.
Đối với những sinh viên khi được hỏi về nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều bạn cho biết đã biết về luật mới được áp dụng gần đây. Tuy nhiên, nhiều bạn cho rằng không quan tâm lắm về vấn đề này. Bởi đời sinh viên được mấy lần “đi nhậu tới bến”. Thậm chí một số bạn khác chỉ đi học, đi chơi bằng xe buýt thì việc có uống rượu bia cũng cảm thấy “không thành vấn đề”.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Trương Văn Quý (sinh viên ngành Công nghệ ô tô, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), cho biết có nghe nghị định 100/2019 từ nhiều ngày qua. Một phần do bạn bè bán tán, phần nữa do mạng xã hội, báo đài liên tục cập nhật thông tin việc xử phạt về nồng độ cồn khi lái xe nên Quý cũng biết được phần nào. Tuy nhiên, Quý cũng thừa nhận chỉ biết về quy định đó nhưng chưa đọc chi tiết lần nào.
“Tôi cũng ít uống rượu bia nên cũng không quan tâm cho lắm. Thường thì có dịp bạn bè, một tháng 1 – 2 lần, mỗi lần 1 đến 2 chai là cùng. Còn đa phần tôi chỉ tụ tập bạn bè vui chơi ở quán cà phê, lập hội chơi game chứ ít khi uống rượu bia”, Quý phân trần.
Đặt giả thuyết khi nhậu say điều khiển phương tiện giao thông, Quý nói thêm: “Nếu vậy thì tôi chấp nhận đóng phạt hoặc gửi xe rồi đi xe ôm về nhà”.
Còn Nguyễn Phú Hội, sinh viên năm 1 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ có biết về quy định xử phạt giao thông liên quan đến nồng độ cồn qua bạn bè và mạng xã hội. Còn về mức phạt chi tiết thì Hội vẫn chưa nắm được hoặc cũng không quan tâm nhiều lắm. Lý do là Hội hiện chưa có xe máy và việc đi lại mỗi ngày hoàn toàn bằng xe buýt.
Tuy vậy, khi được hỏi nếu đã uống rượu bia điều khiển xe máy thì sẽ xử lý thế nào, Hội nói: “Tôi cũng không biết phải làm sao. Chắc là tôi ngủ lại tại chỗ cho tỉnh rồi mới về, hoặc nhờ bạn bè chở mình về nhà thôi”.
Sinh viên là vậy, còn những bạn trẻ đã đi làm thì than thở những hôm nay rất đau đầu, phiền phức vì nghị định mới này. Một số cho rằng đã đi làm, vì công việc nên việc uống rượu bia ít nhiều vẫn không tránh khỏi. Nhất là trong những ngày cuối năm những buổi tiệc ở công ty, gặp mặt bạn bè diễn ra thường xuyên hơn.
Ngô Như Tại (32 tuổi) nhân viên làm mảng hàng hải ở Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, cho biết ngay khi nghị định này có hiệu lực, anh đã đọc và tìm hiểu. Ngoài việc ban hành xử lý vi phạm nồng độ cồn, Tại cũng đã đọc thêm nhiều mục trong nghị định này.
Nhưng điều trái ngược là công việc anh phải thường xuyên uống rượu bia với khách hàng. Do đó, từ khi áp dụng nghị định mới khiến công việc của anh gặp chút trở ngại. Tại thường xuyên “đau đầu”, phiền phức mỗi khi đi gặp khách hàng tại các buổi tiệc. Nhưng tựu trung lại, Tại cho rằng quy định này sẽ làm thay đổi thói quen của nhiều người, sau đó sẽ có chiều hướng tốt hơn trong vấn đề giao thông.
“Thật lòng nhiều khi nghĩ 1 hay 2 chén rượu thì cũng không sao mà từ giờ tôi cũng không dám uống. Ngày mai tất niên công ty, anh em tôi thống nhất thuê xe lớn chở đi rồi chở về. Chúng tôi chấp nhận mỗi người đóng 50.000 đồng còn hơn là bị phạt hay gây tai nạn cho người khác. Phiền thì phiền nhưng ít ra nhờ quy định này tôi thường xuyên về ăn cơm với gia đình hơn. Vợ tôi nghe được quy định này ủng hộ lắm”, Tại chia sẻ.
Nguyễn Trinh Thùy (28 tuổi), nhân viên kinh doanh một công ty tại đường Cách mạng tháng 8, Q.1, TP.HCM, cho hay không những nhiều người trong công ty biết về quy định mới, mà ban giám đốc công ty cô còn chỉ đạo nhân viên thực hiện nghiêm túc. Nếu ai uống rượu bia sử dụng xe máy để về mà bị công ty phát hiện sẽ phạt nặng và có thể sẽ bị đuổi việc.
“Bằng email, phòng nhân sự thay mặt ban giám đốc công ty D., xin nhắc nhở toàn thể nhân viên luôn có ý thức và hành động tuân thủ pháp luật và cũng để đảm bảo an toàn cho cá nhân, không điều khiển xe khi đã uống rượu bia. Trong các sự kiện của công ty, mỗi nhân viên chỉ được cung cấp tối đa 2 lon bia trong suốt bữa tiệc và nhân viên cần sắp xếp trước phương tiện đi về (ví dụ như sử dụng xe taxi, xe ôm…)”, một vài ý kiến chỉ đạo từ công ty – nơi Thùy đang làm việc – đến nhân viên.
Sáng 27/12, Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của…
Sáng 27/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư Thành…
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, ông Lưu Bình…
Đã hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi", Thành phố cảng Hải Phòng đang hằng…
Khu du lịch Đồ Sơn được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh thuộc…
Ngày 26/12, Tòa án nhân dân (TAND) huyện An Dương tổ chức phiên tòa xét…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More