Ngày 17/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2020.
Trong đó có nêu rõ: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Bên cạnh đó thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau đây:
Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 03 năm. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định
Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.
Việc điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Theo điểm a, Khoản 3, Điều 24, Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Các đơn vị doanh nghiệp, vận tải cần nghiên cứu, lắp đặt và hướng dẫn lái xe sử dụng thiết bị giám sát hành trình để dễ dàng quản lý được phương tiện, việc tiêu hao nhiên liệu, và kịp thời nắm bắt các sự việc xảy ra trong quá trình lưu thông, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.