Ngày 12.11, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TTTT).
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho biết, thời gian qua, có một số phóng viên, cộng tác viên có hành vi vi phạm pháp luật bị bắt giữ, xử lý hình sự đã gây bức xúc dư luận và làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các cơ quan báo chí và những người làm báo chân chính.
Đại biểu Thắng đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên, bảo đảm hoạt động của báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích, tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023-2024, mỗi năm, 14 đến 15 phóng viên và cộng tác viên bị bắt. Người làm trong nghề cũng rất đau lòng; so với 21.000 người làm báo có thẻ và gần 45.000 người làm báo, đây là những con sâu bỏ rầu nồi canh.
Cũng theo Bộ trưởng, 80% trong số bị bắt này là từ những tạp chí nhỏ, các tạp chí của các hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.
Nguyên nhân là những nơi cơ quan chủ quản có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí của mình cũng như là Tổng Biên tập buông lỏng quản lý đối với phóng viên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay sai phạm ở tạp chí là nhiều, họ không được hỗ trợ về mặt điều kiện vật chất cũng như là kinh tế từ cơ quan chủ quản.
Bộ TTTT công khai tôn chỉ mục đích của 880 cơ quan báo chí trên các cổng thông tin để cho bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào, bất kỳ địa phương nào cũng có thể vào tra cứu.
Khi có một phóng viên được cử đến thì xem là họ hỏi có đúng tôn chỉ, mục đích không, nếu không đúng được quyền từ chối, nếu bị ép là có đường dây nóng để báo cáo.
Bộ TTTT cũng phân cấp cho các Sở nhiều hơn về chuyện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Theo Bộ trưởng, vừa rồi chúng ta có một số quy định mới, nếu phóng viên của cơ quan báo chí mình bị bắt thì Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm, xem xét trách nhiệm Tổng Biên tập.
“Trước đây chúng ta chỉ xử lý cơ quan báo chí, còn bây giờ quy định mới là xử lý trực tiếp Tổng Biên tập, xử lý trực tiếp phóng viên có các vi phạm“, Bộ trưởng nêu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 1 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Ông cho rằng, câu chuyện đạo đức nghề báo vẫn là câu chuyện cần được quan tâm, vì nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Một tiếng nói, một câu, một chữ của họ có thể tác động đến hàng triệu người hay lan tỏa đến hàng triệu người.
Đây là một nghề rất đặc biệt và vì thế các tiêu chuẩn phải rất đặc biệt. Luật Báo chí hiện hành quy định tiêu chuẩn phóng viên chưa cao lắm. Trong sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội quan tâm cho phép nâng tiêu chuẩn của phóng viên.
Phạm Đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày…
Quốc hội chốt chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo…
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, nhà giáo,…
Sáng ngày 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các…
Sáng 12/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên thành phố…
Chiều 12/11, tại Sân vận động Trường Đại học Hàng hải, Sở Văn hóa và…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More