Để kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 về quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
*Mức hỗ trợ cụ thể đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại được nêu tại Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP
ngày 9/1/2017 của Chính phủ. Mức hỗ trợ cụ thể đối với cây trồng, sản xuất lâm nghiệp và sản xuất muối: thực hiện theo quy định tại các Khoản 1 ,2 và 5 Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ:
Hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy sản
Diện tích nuôi tôm quản canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha. Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/100m3 lồng. Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 50.000.000 đồng/ ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 35.000.000 đồng/ha. Lồng, bè nuôi trồng thủy sản ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000/100m3 lồng; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/100m3 lồng. Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm
Đối với thiệt hại do thiên tai: Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 28.000 đồng/con. Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 350.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 725.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con. Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 6.550.000 đồng/con. Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.250.000 đồng/ con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 4.050.000 đồng/con. Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ 1.750.000 đồng/con.
Đối với thiệt hại do dịch bệnh: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể sau: Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn. Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai. Hỗ trợ 35.000 đồng/kg đối với gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
*Mức hỗ trợ cụ thể đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được nêu tại Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ:
Hỗ trợ đối với cây trồng
Diện tích hoa, cây cảnh: Thiệt hại trên 70% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha. Diện tích cây ăn quả hàng năm: Thiệt hại trên 70% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha. Diện tích vườn ươm cây rau màu: Thiệt hại trên 70% hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha. Diện tích cây dược liệu: Thiệt hại trên 70% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản
Diện tích nuôi cá vược bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.
Kinh phí hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương; dự phòng ngân sách địa phương; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách: Các huyện, quận chủ động sử dụng ngân sách dự phòng địa phương để thực hiện; trường hợp địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá 50% nguồn
dự phòng ngân sách địa phương được UBND thành phố giao, ngân sách thành phố sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng ngân sách địa phương để kịp thời hỗ trợ.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/4/2019.
Xem toàn văn quyết định tại đây => Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 18/03/2019