Chính trị

Quốc hội tranh luận nóng về việc có cần Bộ GD-ĐT soạn sách giáo khoa

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến cho rằng không nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thêm sách giáo khoa mà cần biện pháp để giáo viên thực sự được chọn sách.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa khác bên cạnh ba bộ sách xã hội hóa hiện nay hay không là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận tại nghị trường Quốc hội chiều ngày 31/10.

Tranh luận nóng

Việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn một bộ sách giáo khoa là đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kiến nghị của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88 của ngành giáo dục. Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thẳng thắn cho hay về cơ sở pháp lý, việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. Cả hai văn bản nói trên đã điều chỉnh quy định Nghị quyết 88 về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Về cơ sở thực tiễn, việc này không phù hợp với thực tế chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi. Về hậu quả, việc này dẫn đến không cho phép xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa, đi ngược lại xu hướng của quốc tế.

Tôi tin rằng nếu Đoàn giám sát có đầy đủ thông tin về chính sách sách giáo khoa của các nước trên thế giới thì có thể không nêu lên kiến nghị này”, đại biểu Thanh nói.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ không đồng tình với việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục biên soạn sách giáo khoa. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đai biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng xã hội hóa sách giáo khoa là một trong những điểm nhấn và cũng là một trong những thành công lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, được Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá rất cao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tranh luận với đại biểu Thanh. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên làm một bộ sách hay không? Như vậy có trái với Nghị quyết 122 của Quốc hội hay không? Xin thưa với đại biểu, Nghị quyết 88 là nghị quyết gốc và yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo làm một bộ sách giáo khoa”, bà Mai Hoa nói.

Theo bà Hoa, do năm 2020, áp lực vào năm học mới triển khai lớp 1 Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa soạn được sách giáo khoa vì bộ gặp nhiều khó khăn trong việc này, Quốc hội đã có Nghị quyết 122 điều chỉnh nội dung này. Tuy nhiên, qua thực hiện giám sát năm 2023, Đoàn Giám sát nhận thấy vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng những nội dung, chương trình, sách giáo khoa.

Cần phải có một bộ sách giáo khoa để chúng ta hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể đảm bảo được đến đầu năm học mới có sách giáo khoa và đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước đối với việc biên soạn sách giáo khoa”, bà Hoa nói.

Điều quan trọng là giáo viên phải được chọn sách

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa tiếp tục nhận được sự tranh luận của đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu Lưu Má Bạc phát biểu tranh luận. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Trên góc nhìn pháp lý, tôi đồng tình với đại biểu Mai Hoa là Nghị quyết 88 là nghị quyết gốc, còn Nghị quyết số 122 là có điều chỉnh mục tiêu này. Trên cơ sở thực tiễn, cá nhân và quan điểm tôi cho rằng chưa nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mà quan trọng nhất vào thời điểm này tập trung giao cho bộ nghiên cứu và nghiêm túc triển khai phương án lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các bộ sách giáo khoa đã và đang sử dụng hiện tại”, đại biểu Lưu Bá Mạc nói.

Theo đại biểu Mạc, việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tại thời điểm hiện tại không thực sự cấp thiết. Điều quan trọng là giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với năng lực và phương pháp giảng dạy của mình và với năng lực học tập cũng như mặt bằng tâm lý của học sinh ở từng địa phương, từng trường.

Quan trọng nhất là cần giao cho chính chủ thể này quyền thực sự và trách nhiệm về mặt chuyên môn là được lựa chọn sách giáo khoa phù hợp nhất với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình. Còn các cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn sách giáo khoa mà không nên can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho chính cơ sở giáo dục của mình”, đại biểu Lưu Bá Mạc nói./

Theo đó, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa chỉ nên thực hiện sau khi có sự tổng kết, đánh giá trong thời gian tới, cụ thể, khách quan và khoa học.

Quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng phải giữ được sự tin tưởng, sự đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục và từ đó giảm thiểu được sự bất an ở trong gia đình, trong nhà trường cũng như là trong xã hội, cũng giảm được sự lãng phí về mặt nguồn lực của xã hội để có thể biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa nữa”, đại biểu Mạc nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…

08/01/2025

Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin về virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc

Virus (hMPV) lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc…

08/01/2025

Tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025

Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…

08/01/2025

Di chuyển thiết bị cẩu tại Cảng Hoàng Diệu phục vụ thi công cầu Nguyễn Trãi

Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…

08/01/2025

Không khí lạnh tăng cường, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…

08/01/2025

Bộ Giáo dục chốt phương án thi tuyển vào lớp 10 THPT

Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…

08/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More