Chính trị

Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã thảo luận, tham gia bổ sung 3 nội dung cơ bản của dự thảo Luật Dầu khí như sau:

Thứ nhất, với các mục tiêu đặc thù như trong Tờ trình số 159 của Chính phủ thì bên cạnh việc tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, sự đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước của ngành dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mục tiêu quan trọng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Điều này cũng lý giải khi trong luật có những quy định khác biệt hơn so với các quy định về các nguồn tài nguyên khác như tài nguyên nước, than đá hay năng lượng mặt trời, năng lượng gió,… Tuy nhiên, để đảm bảo các yếu tố liên quan đến bảo vệ chủ quyền thông qua các hoạt động điều tra, thăm dò, nghiên cứu, khai thác trên biển, liên quan đến biên giới quốc gia trên biển, liên quan đến vùng trời trên các công trình đó, tôi đề nghị bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Dầu khí lần này là Luật Biên giới quốc gia năm 2003, trong Báo cáo số 80 của Bộ Công Thương và Ban soạn thảo chưa đề cập đến danh sách 21 luật liên quan này. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong quá trình chúng ta rà soát.

Đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng phát biểu thảo luận tại hội trường.

Thứ hai, cần nghiên cứu việc xác định địa vị pháp lý cụ thể của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Như tài liệu đã cung cấp, về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi năm 2000 quy định Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Quy định này phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 1995 và năm 2003. Đối với Luật Dầu khí (sửa đổi) năm 2008 quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty mẹ, là Công ty nhà nước. Quy định này cũng phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đối với dự thảo luật năm 2022 tại khoản 28 Điều 3 quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Nội dung này cần xác định cụ thể hơn theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, vì tại Điều 88 quy định về doanh nghiệp nhà nước theo góc độ là chủ sở hữu, tức là sở hữu vốn. Doanh nghiệp nhà nước chưa phải là một loại hình doanh nghiệp. Theo quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp có 4 loại hình doanh nghiệp cơ bản. Đối với nội dung liên quan đến loại hình sở hữu vốn thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ liên quan đến nội dung này nhiều hơn.

Tại Điều 194 quy định Tập đoàn kinh tế không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, mặc dù tại Điều 3 của Luật Doanh nghiệp có quy định này, nếu như luật đặc thù nào quy định khác về nội dung liên quan đến hoạt động doanh nghiệp thì có thể theo luật đặc thù cũng để chúng ta hiểu điều này hơn.

Tuy nhiên tại Chương IX của dự thảo từ Điều 52 đến 56 chủ yếu xác định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền, nghĩa vụ dưới nhiều giác độ như có thể được Chính phủ hoặc Bộ Công Thương ủy quyền về quản lý nhà nước và chủ thể kinh doanh, nhưng nội dung liên quan dự thảo ghi thế này có lẽ chưa rõ. Do vậy đại biểu Tống Văn Băng đề nghị xem xét và quy định rõ hơn, ví dụ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và nội dung này có thể phù hợp với Nghị định 69/2014.

Thứ ba, cần nghiên cứu, xem xét và bổ sung thêm quy định về giải quyết xung đột pháp luật trong Luật Dầu khí. Trong các tài liệu liên quan tôi chưa thấy có tranh chấp hoặc có nguy cơ tranh chấp về dân sự kinh tế có yếu tố nước ngoài, sau gần 30 năm chúng ta ký kết hợp đồng liên doanh với các đối tác nước ngoài trong thăm dò, nghiên cứu, khai thác và phân chia lợi nhuận dầu khí. Trong thực tế đối với lĩnh vực dầu khí giao diện để xảy ra xung đột pháp luật liên quan đến tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại và lao động có yếu tố nước ngoài là có khả năng xảy ra. Vì 3 lý do sau đây:

Một là, bên Việt Nam đã và sẽ ký nhiều hợp đồng liên doanh với các đối tác nước ngoài và thuê mướn lao động, chuyên gia nước ngoài để khảo sát, nghiên cứu, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí, nhất là trong dự thảo lần này mở rộng thêm nhiều hoạt động. Bên cạnh đó PVN còn có thể liên doanh hoặc tự mình đầu tư ra nước ngoài để khai thác nguồn dầu khí.

Thứ hai, trong thực tế cơ bản các hoạt động về thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Do đó liên quan nhiều đến các tuyến đường hàng hải và sẽ tạo ra nhiều nguy cơ đâm va với các phương tiện vận tải quốc tế hay các phương tiện bay ở vùng đặc quyền kinh tế, do đó sẽ gây ra các nguy cơ tranh chấp quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ luật Hàng hải tại Điều 3 và Luật Hàng không dân dụng tại Điều 4 đã quy định về nội dung liên quan đến xung đột pháp luật để giải quyết khi có các tranh chấp về kinh tế thương mại có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba là, việc hợp tác giữa PVN với các quốc gia có vùng biển đối diện hoặc tiếp liền với chúng ta, nhất là các quốc gia có các vùng biển chồng lấn, chưa phân định được như Malaysia hay Indonesia, một số quốc gia khác sẽ xuất hiện việc hợp tác để khai thác các vùng chồng lấn và điều này cũng có khả năng sẽ xảy ra tranh chấp. Cho nên để giải quyết theo hướng dân sự mà không theo hình thức ngoại giao hay các biện pháp khác do đó cũng cần quy định trong dự thảo. Trên cơ sở đó đại biểu Tống Văn Băng cũng đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều luật về xung đột pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tế trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An giải trình, tiếp thu các vấn đề đại biểu quan tâm.

Thay mặt ban soạn thảo dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định những ý kiến tại phiên thảo luận hết sức quý báu giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rõ hơn nhiều vấn đề còn chưa được đề cập đầy đủ, thấu đáo trong dự thảo luật và thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của vị đại biểu Quốc hội đối với sự phát triển của ngành dầu khí. Bộ Công thương xin trân trọng tiếp thu nghiêm túc tối đa các ý kiến của vị đại biểu Quốc hội, sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội đã làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, có 23 ý kiến phát biểu. Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có giải trình làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh dự án Luật, việc điều chỉnh các hoạt động trung, hạ nguồn dầu khí, chính sách thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí, căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí,… Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Hoàng Tùng

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Nam Tràng Cát (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…

15/01/2025

Đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu thăm, chúc Tết gia đình chính sách

Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

14/01/2025

Năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy chuyển đổi số

Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…

14/01/2025

Tích cực tham mưu, đề xuất thành phố thực hiện các chính sách đặc thù về an sinh xã hội

Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…

14/01/2025

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tràng Duệ 3 (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…

14/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More